Đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển công nghệ cao là yêu cầu cấp thiết để phát triển đất nước nhanh và bền vững
Nhiều ý kiến đóng góp sâu sát, toàn diện và đa chiều được các đại biểu chia sẻ tại Hội thảo lấy ý kiến góp ý dự thảo đề án “Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển công nghệ cao giai đoạn 2025-2035 và định hướng đến năm 2045” do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) phối hợp cùng Trường ĐH Công nghệ – ĐHQGHN tổ chức ngày 28/9/2024. Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn chủ trì hội thảo.
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh, hội thảo có ý nghĩa quan trọng để Bộ GD&ĐT được lắng nghe trực tiếp ý kiến của các chuyên gia, các cơ sở giáo dục, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao để có sự trao đổi, tiếp thu, hoàn thiện đề án. Trong bối cảnh khoa học công nghệ đang thay đổi từng ngày, nước ta có cơ hội lớn để thu hút đầu tư và phát triển các lĩnh vực công nghệ chiến lược, nền tảng của cách mạng công nghiệp lần thứ tư như vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, tự động hóa, công nghệ sinh học, năng lượng mới và vật liệu tiên tiến, cũng như các lĩnh vực ứng dụng những công nghệ đó. Tuy nhiên, cũng như nhiều quốc gia trên thế giới, điểm nghẽn lớn nhất của Việt Nam hiện nay là sự thiếu hụt đội ngũ nhân lực khoa học, kỹ thuật, công nghệ và toán (STEM) có trình độ, kỹ năng đáp ứng yêu cầu của các tập đoàn công nghệ lớn. Sự thiếu hụt nguồn nhân lực này sẽ là nguy cơ lớn có thể làm Việt Nam tuột mất cơ hội thu hút đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao, chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế, nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh quốc gia. Vì thế, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là yêu cầu cấp thiết để phát triển đất nước nhanh và bền vững.
Hội thảo do Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn chủ trì
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho biết, đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển công nghệ cao đã được xác định trong các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, là nhiệm vụ trọng tâm đã được đề ra trong nhiều chiến lược, quy hoạch, chương trình và đề án đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Để thực hiện được chủ trương, nhiệm vụ rất lớn này cần có sự quyết tâm, thống nhất cao và sự hợp tác hiệu quả giữa các bộ ngành, chính quyền địa phương, cơ sở đào tạo, cơ sở nghiên cứu và doanh nghiệp, cùng với các cơ chế, chính sách đột phá và các nguồn lực đầu tư mạnh mẽ, xứng tầm nhiệm vụ. Việc xây dựng Đề án “Đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển công nghệ cao” là yêu cầu cấp thiết.
Tại hội thảo, TS. Đặng Văn Huấn, Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) đã thay mặt ban soạn thảo thông tin một số nội dung quan trọng của dự thảo đề án. Bên cạnh căn cứ từ chính trị, pháp lí, thực tế đã đặt ra bài toán cấp thiết đối với phát triển kinh tế, xã hội tại Việt Nam. Nhu cầu nhân lực chất lượng cao trong ngành công nghệ cao tại thế giới và Việt Nam ngày càng cao. Do đó dự án đặt ra mục tiêu cụ thể giai đoạn 2025 – 2030 tỉ lệ người theo học các ngành STEM (khoa học, công nghệ, kĩ thuật, Toán) đạt 35% ở mỗi trình độ đào tạo. Số người tốt nghiệp các chương trình đào tạo về công nghệ thông tin và truyền thông đạt 80 nghìn người/năm; số người tốt nghiệp các chương trình chuyên sâu về trí tuệ nhân tạo đạt 20 nghìn người/năm. Ở giai đoạn 2030 – 2035, mục tiêu cụ thể lần lượt là 40%; 100 nghìn người/năm và 30 nghìn người/năm.
Dự thảo đề án đưa ra một số giải pháp như tăng cường giáo dục và hướng nghiệp STEM đối với học sinh phổ thông; hiện đại hóa chương trình và phương thức đào tạo STEM; triển khai các chương trình đào tạo tài năng STEM gắn với phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh trong các lĩnh vực công nghệ then chốt; hoàn thiện và triển khai các chính sách hỗ trợ người học, thu hút nhiều người giỏi theo học các ngành STEM; hoàn thiện và triển khai các chính sách đào tạo, thu hút và giữ chân đội ngũ giảng viên giỏi; tăng cường đầu tư nâng cấp, hiện đại hóa cơ sở vật chất phục vụ đào tạo và nghiên cứu; mở rộng hợp tác, liên kết trong nước và quốc tế, tăng cường khai thác các nguồn lực xã hội trong đào tạo nhân lực công nghệ cao.
Dự kiến tổng kinh phí thực hiện đề án đến năm 2030 khoảng 20 nghìn tỉ đồng. Trong đó, ngân sách nhà nước khoảng 16 nghìn tỉ đồng và nguồn vốn hợp pháp khác khoảng 4 nghìn tỉ đồng. 25 cơ sở giáo dục ĐH công lập và 3 cơ sở giáo dục ĐH ngoài công lập được ưu tiên đề án đầu tư và triển khai chương trình đào tạo tài năng.
Trong phần thảo luận, nhiều vấn đề được các đại biểu quan tâm và đưa ra các góp ý, cụ thể là nguồn vốn đầu tư cho cơ sở vật chất cho đào tạo về bán dẫn; cần quy hoạch ngành điện tử viễn thông và bán dẫn cho bài bản, tránh chạy đua theo bán dẫn cuối cùng tạo ra cho xã hội nguồn nhân lực chỉ làm ở hạng mục giá trị không cao; đề án cần có sự phân bổ đầu tư bao trùm hơn cho các trường ở các vùng miền khác nhau, tránh chỉ tập trung vào 2 vùng trọng điểm Bắc – Nam…
Đánh giá cao sự cần thiết của đề án, Trung tướng, TS. Nguyễn Văn Oanh, Cục trưởng Cục Nhà trường, Bộ Tổng Tham mưu, Bộ Quốc phòng cho biết, đề án không chỉ nâng cao nguồn nhân lực chất lượng cao mà còn phục vụ hiệu quả cho công cuộc bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Trung tướng Nguyễn Văn Oanh kiến nghị, cần bổ sung thêm ngành máy tính và công nghệ thông tin; nghiên cứu các giải pháp đào tạo nguồn nhân lực dài hạn hơn, đặc biệt là định hướng cho các em học sinh lựa chọn STEM ngay từ giáo dục phổ thông.
Trung tướng, TS. Nguyễn Văn Oanh, Cục trưởng Cục Nhà trường, Bộ Tổng Tham mưu, Bộ Quốc phòng
Ông Đặng Quang Vinh, Chuyên gia cao cấp phát triển doanh nghiệp Ngân hàng thế giới nhấn mạnh sự ủng hộ với đề án để ngành giáo dục nâng cao chất lượng nhân lực, đóng góp lâu dài cho sự phát triển nền kinh tế Việt Nam, trong bối cảnh đầu tư cho khoa học công nghệ chưa được nhiều. Cho rằng nhân lực là yếu tố phát triển then chốt trong làm chủ công nghệ, ông Quang Vinh đề xuất Bộ GD&ĐT cần có những giải pháp rà soát, tạo ra sự thuận lợi hơn cho việc thành lập các cơ sở giáo dục đào tạo công nghệ cao, hay có cơ chế thí điểm cho những mô hình đào tạo mới có sự kết hợp với doanh nghiệp, nước ngoài để mở rộng hơn các chương trình đào tạo.
Ông Đặng Quang Vinh, Chuyên gia cao cấp phát triển doanh nghiệp Ngân hàng thế giới trao đổi tại hội thảo
GS.TS Chử Đức Trình, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ – ĐHQGHN cho biết đề án “Đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển công nghệ cao” có vai trò chiến lược quan trọng đối với quốc gia trong việc phát triển các ngành công nghệ cao, đặc biệt là các ngành công nghệ then chốt như công nghệ thông tin và truyền thông, vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, tự động hóa, công nghệ sinh học, hóa học, vật liệu tiên tiến và năng lượng xanh. Đồng thời sẽ là kim chỉ nam định hướng cho các đơn vị giáo dục đại học và các cấp triển khai xây dựng các chiến lược phát triển và kế hoạch hành động để đảm bảo các sinh viên tốt nghiệp có thể đáp ứng ngay, đáp ứng tốt, và bền vững nhu cầu nhân lực của đất nước.
GS.TS Chử Đức Trình, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ – ĐHQGHN phát biểu tại hội thảo
Theo giáo sư Chử Đức Trình thì yếu tố quyết định sự phát triển không chỉ là tài nguyên, công nghệ mà yếu tố cốt lõi chính là con người. Nhân lực chất lượng cao sẽ là chìa khóa để đất nước ta nắm bắt cơ hội và vượt qua các thách thức trong quá trình hội nhập quốc tế. Trong khi đó, nền kinh tế Việt Nam đang chuyển đổi mạnh mẽ sang các lĩnh vực công nghệ cao như công nghệ thông tin, điện tử viễn thông, bán dẫn vi mạch, tự động hóa, trí tuệ nhân tạo, công nghệ y sinh học. Để đáp ứng yêu cầu phát triển này, chúng ta phải giải quyết bài toán thiếu hụt nhân lực chất lượng cao. Đặc biệt, chúng ta cần những chuyên gia, nhân lực lao động không chỉ nắm vững kiến thức mà còn cần khả năng sáng tạo, nghiên cứu và ứng dụng thực tiễn, nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo làm chủ công nghệ, nâng cao năng suất lao động và gia tăng sức cạnh tranh quốc tế. Trước thách thức đó, vai trò của các trường đại học là vô cùng quan trọng. Đặc biệt, việc liên kết với doanh nghiệp và quốc tế có vai trò quan trọng trong việc tạo điều kiện để sinh viên tiếp cận những xu hướng công nghệ mới, từ đó chuẩn bị tốt hơn cho thị trường lao động toàn cầu, sẵn sàng đương đầu với mọi thách thức.
Kết thúc hội thảo, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cảm ơn các ý kiến sâu sát, toàn diện và đa chiều của các đại biểu cho dự thảo đề án. Thứ trưởng đề nghị Ban soạn thảo tiếp thu tối đa các ý kiến đóng góp tại hội thảo, tập trung vào những nội dung cần thực hiện, đảm bảo tính khả thi và hiệu quả của đề án.
(UET-News)
Bài viết báo chí:
Truyền hình Quốc hội: Băn khoăn nguồn vốn đầu tư cơ sở vật chất cho đào tạo bán dẫn
Truyền hình Quốc hội: Đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao
Đại biểu nhân dân: Đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển công nghệ cao có vai trò chiến lược quan trọng đối với quốc gia
Dân trí: Hiệu trưởng trường đại học và câu hỏi: “Tiền đâu để đào tạo nhân tài”?
Tiền phong: Miễn học phí, hỗ trợ sinh hoạt phí khi học thạc sĩ, tiến sĩ
Tuổi trẻ: Học sinh trường THPT chuyên lựa chọn học STEM còn là ‘trăn trở’?
VOV: Phải đào tạo nhân lực chất lượng cao để làm chủ công nghệ cao