Cuộc chạy đua chip bán dẫn toàn cầu: Định vị, thách thức và cơ hội đối với Việt Nam

Chủ đề này được GS.TS. Chử Đức Trình – Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội (UET-VNU) trao đổi tại tọa đàm do Học viện Ngoại giao tổ chức, vào ngày 20/3/2024.

Trong bối cảnh nhiều quốc gia đang “chạy đua” nghiên cứu các công nghệ mới nhằm gia tăng khả năng cạnh tranh về kinh tế và an ninh, ngành công nghiệp bán dẫn đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ trên quy mô toàn cầu. Sự chuyển dịch về phía Đông Nam Á của chuỗi cung ứng bán dẫn đang mở ra nhiều cơ hội lớn đối với Việt Nam.

Tính đến năm 2023, nhiều tập đoàn lớn trong ngành đã hiện diện và có kế hoạch mở rộng đầu tư tại Việt Nam, tiêu biểu như Intel, Samsung, Synopsys, Qualcomm, Infineon, Amko,… Bên cạnh tiềm năng phát triển, ngành công nghiệp bán dẫn cũng đặt ra cho Chính phủ Việt Nam và các doanh nghiệp không ít thách thức. Đó là chi phí đầu tư lớn, đòi hỏi nguồn nhân lực có chuyên môn cao cũng như cơ sở hạ tầng và các dây chuyền sản xuất phức tạp.

Với mong muốn mang lại kiến thức về chip bán dẫn, cuộc chạy đua bán dẫn hiện nay trên thế giới cũng như vị trí của Việt Nam trên bản đồ hệ sinh thái bán dẫn, GS.TS. Chử Đức Trình – Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ đã có buổi nói chuyện về chủ đề đang được quan tâm hiện nay. Tại buổi tọa đàm, GS.TS. Chử Đức Trình đã thu hút sinh viên bởi những kiến thức thực tiễn về vật lý, sự chuyển động của thiên nhiên, sinh vật và con người cho đến sự ra đời của cảm biến và ngành Vi cơ điện tử. GS nhấn mạnh: “Sự ra đời của chip bán dẫn là một quá trình lâu dài với sự phát triển, đồng hành của nhiều thế hệ và cộng đồng”. Cho đến nay, chip bán dẫn được ứng dụng trong nhiều sản phẩm công nghệ như các thiết bị điện tử, máy bay không người lái… và tương lai sẽ là các sản phẩm trong lĩnh vực y học.

Với tầm quan trọng của chip bán dẫn trên toàn cầu, GS.TS Chử Đức Trình chia sẻ về lợi thế của Việt Nam trong lĩnh vực này. Đó là vị trí địa lý, nền tảng công nghiệp điện tử có thị trường tốt, nhiều doanh nghiệp đầu tư và nguồn nhân lực trẻ, đặc biệt là sự đồng hành của nhiều quốc gia, doanh nghiệp trên thế giới. GS khẳng định: “Có lẽ đây là cơ hội cuối cùng để Việt Nam thực sự vươn lên vị trí quốc gia có nền công nghiệp hàng đầu trên thế giới trước khi dân số Việt Nam bước vào giai đoạn dân số già”.

GS.TS. Chử Đức Trình – Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ, ĐHQGHN

Những câu hỏi thú vị của sinh viên về lĩnh vực bán dẫn tại phần thảo luận, đã thể hiện được sự quan tâm của giới trẻ về tiềm năng, sự phát triển của lĩnh vực này tại Việt Nam. Trong quá trình thảo luận, sinh viên thời đại số cũng nhận thức được trách nhiệm, ý nghĩa liên ngành giữa các lĩnh vực trong xã hội là bệ phóng cho sự phát triển kinh tế xã hội chung của nước nhà.

Để có thêm những kiến thức về lĩnh vực bán dẫn cho đề tài “Xuất nhập khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài ở Việt Nam”, sinh viên Trần Huy Dương, Trường ĐH Việt Nhật – ĐHQGHN đã tìm đến và lắng nghe những chia sẻ của GS.TS. Chử Đức Trình – là một trong những chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực này. Huy Dương chia sẻ: “Những kiến thức tại buổi tọa đàm đã truyền cảm hứng cho chúng em tìm hiểu về chip bán dẫn và cùng chung tay cho sự phát triển của đất nước trong tương lai. Đồng thời, cách dẫn dắt vấn đề của thầy đã thu hút chúng em ngay khi mở đầu vấn đề, chúng em có thêm những kiến thức tổng quan về bán dẫn trong nước và quốc tế. Là một sinh viên ĐHQGHN thấm nhuần triết lý “Khai phóng và phát triển bền vững”, em ý thức được trách nhiệm của bản thân đóng góp vào sự phát triển của nước nhà trong tương lai”.

Sinh viên Trần Huy Dương, Trường ĐH Việt Nhật – ĐHQGHN

Là một trong những thành viên Ban tổ chức buổi tọa đàm lần này, sinh viên Khánh Vy, Học viện Ngoại giao bày tỏ sự vui mừng khi tọa đàm thành công vượt kỳ vọng. Khánh Vy cho biết: “Trong lĩnh vực ngoại giao, chủ đề chip bán dẫn đang là lĩnh vực được chúng em quan tâm. Bên cạnh những góc nhìn của các chuyên gia về chính trị, kinh tế, ngoại giao, thì chúng em cũng mong muốn có thêm góc nhìn đa chiều từ các chuyên gia công nghệ. Ban đầu, em nghĩ những kiến thức công nghệ về chip bán dẫn sẽ khô khan, nhưng đến khi thầy Chử Đức Trình trao đổi thì em hoàn toàn bất ngờ. Những kiến thức này hoàn toàn từ cuộc sống xung quanh em, được ứng dụng vào công nghệ để phục vụ đời sống con người. Sau buổi hội thảo, em thấy được tầm quan trọng của hợp tác liên ngành giữa ngoại giao và công nghệ hỗ trợ lẫn nhau cùng phát triển. Vì vậy, chúng em là những nhà ngoại giao tương lai sẽ góp phần đưa các doanh nghiệp nước ngoài vào đầu tư và phát triển lĩnh vực này tại Việt Nam”.

Sinh viên Khánh Vy, Học viện Ngoại giao

Chương trình tọa đàm đã kết thúc và thành công rực rỡ. Hy vọng hoạt động này sẽ là khởi đầu cho những đam mê của sinh viên đối với lĩnh vực bán dẫn, đồng thời mở đầu cơ hội hợp tác trong thời gian tới giữa Trường ĐH Công nghệ và Học viện Ngoại giao trong sự nghiệp phát triển giao dục đào tạo.

Một số hình ảnh tại buổi tọa đàm

Đại sứ Phạm Lan Dung, Quyền Giám đốc Học viện Ngoại giao tặng hoa cảm ơn GS.TS. Chử Đức Trình


(UET-News)

Bài viết liên quan