CLB Các Khoa Viện Trường CNTT-TT Việt Nam (FISU Việt Nam) tổ chức Đại hội nhiệm kỳ II tại Trường Đại học Công nghệ – ĐHQGHN
Ngày 7/4/2023, CLB Các Khoa Viện Trường CNTT-TT Việt Nam (FISU Việt Nam) đã tổ chức chương trình Đại hội nhiệm kỳ II tại Trường Đại học Công nghệ – ĐHQGHN (UET-VNU) với sự tham dự của hơn 130 đại biểu trên khắp cả nước. Đại hội nhằm bầu ra Ban lãnh đạo nhiệm kỳ II cho FISU, để tiếp tục phát triển mạnh mẽ các lĩnh vực chuyên môn, đóng góp tích cực vào công cuộc phát triển kinh tế xã hội định hướng Kinh tế số và Xã hội số.
Đại hội có sự tham dự của PGS. TS. Hoàng Minh Sơn- Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, PGS. TS. Bùi Thế Duy – Ủy viên dự khuyết Ban chấp hành TW Đảng, Thứ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ, PGS.TS. Phạm Bảo Sơn – Phó Chủ tịch Hội Tin học Việt Nam, Phó Giám đốc ĐHQGHN, cùng các Lãnh đạo của các Trường đại học/Khoa/Viện đào tạo, nghiên cứu trong lĩnh vực Công nghệ thông tin – Truyền thông.
Câu lạc bộ Các Khoa Viện Trường CNTT-TT Việt Nam (FISU Việt Nam) được thành lập từ năm 2018, với vai trò là một diễn đàn học thuật cho các Khoa Trường Viện CNTT-TT trong phạm vi cả nước. Đến nay, FISU Việt Nam đã có sự lớn mạnh về cả số lượng và chất lượng với hơn 100 đơn vị hội viên tập thể và 03 chi hội vùng.
Phát biểu khai mạc Đại hội, PGS.TS. Phạm Bảo Sơn – Phó Chủ tịch Hội Tin học Việt Nam, Phó Giám đốc ĐHQGHN bày tỏ niềm vui mừng khi được mời dự Đại hội lần thứ II và đánh giá đây là dịp gặp mặt tất cả Đại thụ cùng những đồng nghiệp trong lĩnh vực CNTT-TT. PGS chúc mừng FISU Việt Nam vì những thành tựu đạt được trong thời gian vừa qua. PGS.TS. Phạm Bảo Sơn khẳng định: “FISU bước đầu định hình được các hoạt động với vai trò diễn đàn học thuật cho cộng đồng các Khoa – Viện – Trường đào tạo về CNTT –TT trong cả nước. CLB có sự lớn mạnh về chất và lượng, đồng thời hình thành được mạng lưới rộng khắp cả nước từ Bắc vào Nam. Trong bối cảnh 5 năm vừa qua, mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng FISU Việt Nam vẫn thành lập được 3 Chi hội FISU ở khu vực Miền Trung-Tây Nguyên, Trung Du- Miền núi- Duyên hải phía Bắc và Đồng bằng sông Cửu Long. Có thể nói, FISU Việt Nam có nhiều hoạt động ý nghĩa đóng góp trong cộng đồng khoa học nói riêng và sự phát triển trong lĩnh vực CNTT-TT của Việt Nam nói chung. Cụ thể là, từ các hoạt động đào tạo, nghiên cứu, tổ chức hội thảo đến tư vấn công nghệ, góp ý xây dựng chính sách và đặc biệt là kết nối, hỗ trợ cộng đồng duy trì các hoạt động trong thời gian bị cách ly do dịch Covid-19”.
PGS.TS. Phạm Bảo Sơn phát biểu khai mạc Đại hội
Với tinh thần tạo dựng các giá trị chung trong cộng đồng thời gian tới, PGS Phạm Bảo Sơn đề nghị FISU Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện một số nhiệm vụ: “Đẩy mạnh hoạt động học thuật nhằm nâng cao chất lượng hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đặc biệt là đào tạo nguồn nhân lực CNTT-TT trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và xu thế chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ; tiếp tục xây dựng cầu nối và thúc đẩy hợp tác giữa trường – viện – doanh nghiệp thông qua các hoạt động của FISU Việt Nam; gắn kết các hoạt động FISU Việt Nam với định hướng hoạt động chung của Hội tin học Việt Nam nhằm tạo sức mạnh tổng thể và lan tỏa các hoạt động”.
Để động viên những cố gắng của các tập thể thuộc FISU Việt Nam, Hội Tin học Việt Nam đã tặng Bằng khen của cho 5 đơn vị có thành tích xuất sắc, gồm Khoa CNTT (Trường ĐH Công nghệ- ĐHQGHN); Khoa CNTT (Trường ĐH Thủy Lợi); Trường ĐH CNTT-TT Việt Hàn VKU, ĐH Đà Nẵng; Trường ĐH CNTT-TT, Đại học Thái Nguyên và Trường CNTT-TT, Trường Đại học Cần Thơ.
Là một trong những thành viên tích cực tham gia đóng góp chung cho sự phát triển của FISU Việt Nam trong các lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu về Khoa học – Công nghệ, Trường Đại học Công nghệ – ĐHQGHN luôn tự hào khi FISU Việt Nam tin tưởng lựa chọn Nhà trường là địa điểm đặt văn phòng Câu lạc bộ và tổ chức các chương trình quan trọng, ý nghĩa. Phát biểu tại Đại hội, GS.TS Chử Đức Trình – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ chia sẻ: “Đảng và Nhà nước luôn xác định khoa học và công nghệ có vai trò quan trọng trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đồng thời đã ban hành nhiều chính sách thu hút các lĩnh vực khoa học và công nghệ khác nhau. Trong đó, CNTT-TT luôn là lĩnh vực được ưu tiên và khuyến khích phát triển dựa trên nhiều thế mạnh mang tính đặc thù của Việt Nam. Dưới góc nhìn từ sự phát triển và vai trò ngày càng lớn mạnh của CNTT-TT, Trường ĐH Công nghệ cho rằng lĩnh vực CNTT đã và đang thể hiện là một lĩnh vực cơ bản trong đào tạo, nghiên cứu. Từ lâu nay CNTT –TT đã trở thành công cụ nền tảng cho các ngành khoa học tự nhiên, công nghệ kỹ thuật y sinh học, kinh tế, quản trị… Thậm chí ngày nay, CNTT-TT thể hiện đã và sẽ là công cụ mang tính nền tảng của các ngành khoa học xã hội. CNTT đóng góp tạo ra cuộc cách mạng khoa học và công nghệ toàn xã hội trên phạm vi toàn cầu trong thời gian qua. Với vị thế mang tính nền tảng, cơ bản, chất lượng và số lượng của đội ngũ CNTT-TT nước ta đã và sẽ đóng vai trò lớn không chỉ quyết định sự thành công của ngành CNTT, mà còn của những lĩnh vực khác. Từ đó, góp phần vào sự thành công trong công cuộc xây dựng phát triển đất nước và phần nào khẳng định vị thế của Việt Nam trong khu vực, trên thế giới. Trong nhiệm kỳ qua, dù ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng FISU Việt Nam đã có nhiều hoạt động thiết thực và hiệu quả. FISU Việt Nam đã từng bước gắn kết, chia sẻ nguồn lực giữa các đơn vị đào tạo, nghiên cứu về CNTT-TT khắp trên toàn quốc ”.
Phó Hiệu trưởng mong rằng nhiệm kỳ tới FISU Việt Nam có nhiều hoạt động hơn nữa thúc đẩy sự phát triển cả về chất lượng và số lượng nhân lực CNTT-TT trên toàn quốc và tương lai lan tỏa các hoạt động ra khu vực ASEAN và thế giới. Trường ĐH Công nghệ cam kết sẽ đồng hành với cộng đồng FISU Việt Nam và là đối tác tin cậy trong lĩnh vực này. Bên cạnh việc kết nối, chia sẻ về tri thức Giáo sư mong muốn FISU Việt Nam sẽ có đóng góp vai trò tích cực hơn nữa trong việc tham mưu cho chính phủ, bộ ngành cũng như đề xuất các hướng dẫn, khuyến nghị cho các đơn vị trong lĩnh vực CNTT-TT.
GS.TS Chử Đức Trình phát biểu tại hội nghị
Đại hội bắt đầu đi vào các hoạt động chính, thông qua đề cử Chủ tịch Đoàn và Ban Thư ký Đại hội; Thông qua Quy chế Đại hội và Báo cáo sửa đổi Điều lệ.
Thay mặt Đoàn Chủ tịch, PGS.TS. Phùng Trung Nghĩa giới thiệu và xin ý kiến đại biểu về Dự thảo sửa đổi Điều lệ của CLB có 3 nội dung chính về tên gọi của CLB Khoa Viện Trường CNTT-TT Việt Nam, thay FISU thành FISU Việt Nam, thời gian nhiệm kỳ.
PGS.TS. Phùng Trung Nghĩa- Chủ tịch FISU Trung Du- Miền núi- Duyên hải phía Bắc
PGS.TS. Bùi Thu Lâm – Tổng thư ký, đại diện ban lãnh đạo FISU Việt Nam nhiệm kỳ I Báo cáo kết quả hoạt động và giới thiệu Phương hướng – Kế hoạch hoạt động nhiệm kỳ II.
PGS.TS. Bùi Thu Lâm – Tổng thư ký FISU Việt Nam
Theo đó, nhiệm kỳ đầu tiên trong giai đoạn xây dựng và triển khai hoạt động, FISU phát huy thế mạnh là nơi hội tụ, kết nối, định hướng, chia sẻ về đào tạo và nghiên cứu, các thành viên tham gia trở thành một khối thống nhất, có những tiếng nói chung để cùng thúc đẩy các hoạt động giảng dạy, đào tạo và nghiên cứu trong lĩnh vực CNTT-TT của cả nước phát triển. Mặc dù trong nhiệm kỳ I, FISU Việt Nam phải đối mặt với không ít những khó khăn thách thức khi đất nước bị hoành hành bởi đại dịch Covid19, kéo dài trong gần 3 năm. Điều này dẫn đến việc đứt gãy các chuỗi hoạt động, mọi hình thức kết nối, trao đổi được chuyển sang trực tuyến, tuy thuận lợi và có cơ hội, nhưng không thực sự hiệu quả và khó lan toả, thu hút hội viên. Vì thế, BCH, BTV FISU Việt Nam nhiệm kỳ I trong 3 năm cuối nhiệm kỳ đã linh hoạt chuyển sang hình thức họp, xin ký kiến trực tuyến, biểu quyết qua email.
Báo cáo cũng cho biết, được sự hỗ trợ của Hội tin học Việt nam, FISU Việt Nam đã có nhiều hoạt động thiết thực và hiệu quả, giữ vững và nâng cao được uy tín. Uy tín của FISU Việt Nam qua các hoạt động và trong sự phát triển chung của CNTT-TT ngày càng được nâng cao. FISU Việt Nam bước đầu đã có những đóng góp tích cực cho cộng đồng về các mặt như: Xây dựng giáo trình; Cập nhật công nghệ mới; Tổ chức hội nghị, hội thảo khoa học và đào tạo; Đào tạo công nghệ mới; Xây dựng các chứng nhận chuyên môn chuyên sâu đạt chuẩn quốc tế và khu vực; Kết nối doanh nghiệp, hướng tới nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng cường cải thiện hơn nữa các chỉ số xếp hạng CNTT-TT mà các tổ chức quốc tế đánh giá Việt Nam…
PGS Bùi Thu Lâm cũng chỉ ra những thách thức và thời cơ trong nhiệm kỳ II, Phương hướng – Kế hoạch cho hoạt động nhiệm kỳ II (2023-2028) về Công tác tổ chức; Công tác đào tạo; Công tác nghiên cứu triển khai; Công tác hợp tác phát triển; Công tác hội nghị sự kiện; Công tác tài chính – nguồn lực và các công tác khác liên quan.
Sau các nội dung thảo luận, PGS.TS Bùi Thế Duy – Ủy viên dự khuyết Ban chấp hành TW Đảng, Thứ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ đã phát biểu bày tỏ kỳ vọng: “Trong 5 năm qua, FISU Việt Nam đã có nhiều hoạt động, thành tích sôi nổi, góp phần vào sự nghiệp đào tạo, nghiên cứu phát triển ứng dụng CNTT trong giai đoạn hiện nay đang thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia. Đây là nơi quy tụ lớn nhất những người làm giảng dạy, nghiên cứu về CNTT Việt Nam. FISU Việt Nam đã tạo sự kết nối xuyên thời gian với những nhà nghiên cứu, giảng dạy qua nhiều thế hệ được gặp gỡ và giao lưu với nhau; tạo được mạng lưới lan truyền ngọn lửa đam mê CNTT-TT; kết nối tri thức kinh nghiệm ở các đơn vị nghiên cứu, đào tạo khác nhau tại Việt Nam; đưa các vấn đề thời sự của Chính phủ và Nhà trước trong các tọa đàm, hội thảo chuyên môn”. Thứ trưởng hi vọng FISU Việt Nam tiếp tục duy trì, đẩy mạnh chia sẻ tri thức và kết nối thông qua các hoạt động của FISU Việt Nam.
PGS.TS Bùi Thế Duy phát biểu tại Đại hội
Đại hội bầu cử Ban chấp hành và Ban kiểm tra nhiệm kỳ II của FISU Việt Nam. Công việc đã được tiến hành nghiêm túc,chuyên nghiệp và minh bạch dưới sự chỉ đạo của Đoàn Chủ tịch. GS.TS. Nguyễn Thanh Thủy tiếp tục được tín nhiệm giữ chức Chủ tịch FISU Việt Nam nhiệm kỳ II.
Ban chấp hành FISU Việt Nam nhiệm kỳ II ra mắt Đại hội
Ban Thường vụ FISU Việt Nam nhiệm kỳ II
GS.TS. Nguyễn Thanh Thủy đã công bố Hội đồng Thành viên Danh dự với 21 thành viên và Hội đồng Cố vấn với 10 thành viên.
Tại đại hội những bó hoa tri ân đã được Hội Tin học Việt Nam cùng FISU Việt Nam trao tặng những nhà lão thành trong lĩnh vực CNTT-TT Việt Nam, cùng sự đóng góp của ban chấp hành nhiệm kỳ I trong việc phát triển câu lạc bộ trong suốt thời gian qua.
Sau khi ban lãnh đạo, các hội đồng thành viên, cố vấn nhiệm kỳ II của CLB FISU được kiện toàn, GS.TS. Nguyễn Thanh Thủy – Chủ tịch FISU Việt Nam bày tỏ sự vui mừng, phấn khởi và lòng cảm ơn sâu sắc đến lãnh đạo các bộ ban ngành đối với sự phát triển của FISU Việt Nam. Đồng thời, Giáo sư đã ghi nhận và cảm ơn những đóng góp âm thầm, tự nguyện, thiện chí của các thành viên FISU Việt Nam: “Đại hội đã trở thành ngày hội của các khoa trường viện CNTT của Việt Nam. Bên cạnh sự đồng hành của các nhà giáo lão thành về lĩnh vực CNTT, cùng sự phát triển về thành viên của FISU những năm qua là minh chứng cho sự trưởng thành mạnh mẽ về đội ngũ chuyên môn của các thầy/cô ở các trường, với các nhà khoa học trẻ được đào tạo bài bản tại những trường đại học, trung tâm CNTT hàng đầu thế giới. FISU đã và đang sẵn sàng cho giai đoạn phát triển mới về CNTT đi cùng xu thế công nghệ, chuyển đổi số và trí tuệ nhân tạo trên thế giới để đáp ứng được yêu cầu phát triển tại Việt Nam, cho Việt Nam, vì Việt Nam và của Việt Nam”.
GS.TS. Nguyễn Thanh Thủy Chủ tịch FISU Việt Nam nhiệm kỳ II
Biểu quyết thông qua các Điều lệ và Nghị Quyết Đại hội thành công, thay mặt Đoàn Chủ tịch TS. Nguyễn Hữu Hòa đã phát biểu bế mạc đại hội.
FISU Việt Nam khép lại nhiệm kỳ đầu tiên, mở ra một chặng đường mới đầy hứa hẹn. Trường Đại học Công nghệ – ĐHQGHN cùng với các thành viên của FISU Việt Nam trên khắp cả nước sẽ nỗ lực kết nối chặt chẽ, đóng góp tích cực trong việc thực hiện các nhiệm vụ mũi nhọn mà Ban lãnh đạo đặt ra, đẩy mạnh tổng lực để phát triển, gặt hái nhiều thành tựu hơn nữa trong giai đoạn mới.
Một số hình ảnh tại Đại hội:
GS.TS. Nguyễn Thanh Thủy (ngoài cùng, bên trái) và PGS.TS. Phạm Bảo Sơn (ngoài cùng, bên phải) tri ân những hỗ trợ của các nhà lão thành trong lĩnh vực CNTT-TT Việt Nam
GS.TS. Nguyễn Thanh Thủy tri ân sự đóng góp phát triển câu lạc bộ của ban chấp hành nhiệm kỳ I trong suốt thời gian qua
(UET-News)