Thủ khoa đầu ra Bùi Duy Nam: Lợi thế nghề nghiệp khi tốt nghiệp ngành Kỹ thuật Robot

   Bùi Duy Nam là một trong những thủ khoa tốt nghiệp đạt thành tích xuất sắc trong học tập và rèn luyện với kết quả học tập toàn khóa đạt 3,81/4,0. Đặc biệt, Bùi Duy Nam còn là thủ khoa tốt nghiệp sớm của khóa đầu tiên ngành Kỹ thuật Robot.

   Nhiều lợi thế khi học ngành Kỹ thuật Robot

  Niềm đam mê với công việc hiện nay cũng như sự lựa chọn vào ngành Kỹ thuật robot của Trường ĐH Công nghệ (ĐHQGHN), được Duy Nam tìm hiểu và lựa chọn kỹ lưỡng. Với tuổi trẻ mong muốn được trải nghiệm, khám phá những chuyên ngành mới khi học đại học, Duy Nam đã tìm thấy ngành mới Kỹ thuật Robot tại Trường ĐH Công nghệ. Duy Nam chia sẻ: “Em nhận thấy ngành này có tiềm năng lớn ở Việt Nam trong tương lai về tính ứng dụng và cơ hội nghề nghiệp. Đây là ngành giúp em tiếp cận với những công nghệ và tri thức mới trong lĩnh vực robot, tự động hóa. Đồng thời, cơ hội nghề nghiệp của bản thân sẽ rộng mở và có lợi thế khi bản thân là người tiên phong và tốt nghiệp khóa đầu tiên. Tiếp đó, em mong muốn được học và làm việc trong lĩnh vực bản thân yêu thích, đặc biệt tự tay tạo ra những robot thực hiện công việc của con người với năng suất và hiệu quả cao”.  

Bùi Duy Nam thực nghiệm bay UAV tại ĐHQGHN cơ sở Hoà Lạc

   Trong suốt quá trình học tập đến khi ra trường, Duy Nam đã từng bước tiến gần hơn đến ước mơ. Với học tập xuất sắc, trở thành người “tiên phong” của khóa đầu tiên ngành Kỹ thuật robot là điều Duy Nam cảm thấy vinh dự và vui mừng. Quá trình học tập trên giảng đường Trường ĐH Công nghệ đã giúp Duy Nam có những “bậc thang” đầu tiên về kiến thức cơ bản và nền tảng trong lĩnh vực robot. Bên cạnh đó, những quá trình nhận được sự hướng dẫn và hỗ trợ từ giảng viên Nhà trường giúp Duy Nam tích luỹ được những phương pháp học tập và tư duy nghiên cứu. “Từ đó, em đã chủ động hơn trong việc tìm kiếm tài liệu, xây dựng định hướng của bản thân. Trong 4 năm với sự đồng hành của các thầy/cô trên con đường vươn tới ước mơ đã giúp em hoàn thiện hơn về kiến thức và kỹ năng trên con đường nghiên cứu khoa học” – Duy Nam chia sẻ.

   Trải qua những năm thanh xuân trên giảng đường, ngoài sự đồng hành của giảng viên và sự chia sẻ, giúp đỡ từ bạn bè thì Duy Nam ấn tượng nhất ngay khi bước chân vào trường là chương trình trải nghiệm, tự chế tạo robot đầu tiên thông qua hoạt động, các môn học của Khoa Điện tử viễn thông. Từ những “lần đầu tiên” đó, Duy Nam học hỏi được nhiều kỹ năng từ thầy cô, bạn bè và tìm cho bản thân những “chiến hữu” có cùng đam mê về robot, để xây dựng một nhóm nghiên cứu riêng tự tay thiết kế, chế tạo và lập trình một robot hoàn thiện. Robot mà nhóm nghiên cứu cùng “bắt tay” nghiên cứu đã được tham dự hội nghị sinh viên nghiên cứu khoa học và đạt giải Nhì cấp Trường. Bên cạnh đó là những sản phẩm về robot và tự động hoá phục vụ bài học, sở thích cá nhân và sản phẩm chuyển giao cho doanh nghiệp. Không chỉ như vậy, Duy Nam cảm thấy may mắn hơn nữa khi chương trình đào tạo có sự hỗ trợ giảng dạy, nghiên cứu từ phía các giáo sư của Trường ĐH Công nghệ Chiba, Nhật Bản thông qua các chuyến đi trải nghiệm chế tạo robot tại Nhật Bản, hội thảo khoa học, những môn học được giảng dạy bởi giáo sư Nhật Bản… “Tất cả những trải nghiệm đáng nhớ đó giúp em có những cập nhật về công nghệ, tri thức mới về robot ở Nhật Bản nói riêng và trên thế giới nói chung. Qua đó, em càng tự tin hơn về lựa chọn cũng như con đường nghiên cứu về robot trong tương lai của bản thân” – Duy Nam khẳng định.

Bùi Duy Nam cùng các thành viên nhóm nghiên cứu tại Bộ môn Vi cơ điện tử và vi hệ thống, Khoa Điện tử viễn thông

    Áp dụng kỹ năng trong học tập vào công việc

   Đặc biệt hơn các sinh viên khóa đầu tiên của ngành Kỹ thuật Robot là Duy Nam đã tốt nghiệp sớm một học kỳ, vì vậy Nam có cơ hội được áp dụng những kiến thức, kỹ năng vào công việc sớm hơn các bạn đồng trang lứa. Hơn nữa, Nam có nhiều cơ hội để lựa chọn công việc phù hợp với đam mê bản thân. Sau một thời gian tìm hiểu, Nam quyết định lựa chọn vị trí kỹ sư nghiên cứu và phát triển sản phẩm về Robot và Trí tuệ nhân tạo tại Công ty TNHH Rikkei AI.

   Những năm tháng học tập tại Trường ĐH Công nghệ, đã giúp Duy Nam trưởng thành và tự tin hơn trên con đường học tập, nghiên cứu cũng như việc lựa chọn nghề nghiệp. Sự dìu dắt, truyền lửa đam mê từ các thầy/cô đã giúp Nam khám phá và định hướng mong muốn của bản thân trong lĩnh vực robot trên con đường nghiên cứu khoa học. Duy Nam bày tỏ: “Chỉ có con đường nghiên cứu khoa học và nâng cao năng lực bản thân mới đóng góp cho sự phát triển lĩnh vực robot tại Việt Nam. Nam sẽ tiếp tục theo đuổi con đường nghiên cứu bằng việc nâng cao trình độ chuyên môn”.

Duy Nam tại Lễ bảo vệ đồ án tốt nghiệp vào tháng 6/2022

   Đến nay, những phương pháp học tập và nghiên cứu trên giảng đường vẫn được Duy Nam duy trì, áp dụng vào công việc hiện tại. Trước mỗi công việc được giao tại Công ty TNHH Rikkei AI, việc đầu tiên Duy Nam làm là xác định mục tiêu đến từng thành viên trong nhóm về sản phẩm, sau đó cụ thể hoá thành các bài toán nhỏ, phân chia công việc hợp lý và sắp xếp theo thứ tự ưu tiên. Dựa trên những trải nghiệm thực tế khi học tập tại Trường, Duy Nam đã có kinh nghiệm tổng hợp về rủi ro, tìm kiếm tài liệu về các hướng xử lý vấn đề và kỹ năng làm việc, chia sẻ thông tin với các thành viên trong nhóm.  

Bùi Duy Nam nhận học bổng thạc sĩ trong nước VINIF 2022

  Chia sẻ về bí quyết trong học tập, Duy Nam cho biết: “Đối với em, phương pháp tư duy và học tập mà các thầy cô cung cấp là quan trọng nhất. Bởi vì, những kinh nghiệm quý báu của các thầy cô sẽ đồng hành cùng em trên con đường học tập cũng như sự nghiệp sau này. Trong suốt quá trình học tập, em tích lũy được phương pháp tiếp cận, đặt vấn đề, phân tích và giải quyết vấn đề, tổng hợp và đánh giá là những kỹ năng để chinh phục con đường học tập và nghiên cứu không hề khó. Dựa trên những kỹ năng nhìn nhận vấn đề, em còn đưa ra khả năng lập kế hoạch học tập đối với việc đăng ký các môn học. Thường thì em sẽ đăng ký các môn học có tính liên kết hoặc bổ trợ cho nhau về kiến thức, kỹ năng thực hành… Từ đó, chất lượng kết quả học tập sẽ tăng lên vì các kiến thức liên ngành, hỗ trợ cho nhau sẽ giúp bản thân có góc nhìn tổng quan hơn về lĩnh vực chuyên môn”. Và bên cạnh việc “học đi đôi với hành”, Duy Nam luôn thích thú khi được áp dụng những kiến thức, lý thuyết vào việc nghiên cứu sản phẩm về robot. Sau này nghiên cứu dù có thành công hay thất bại, đối với Duy Nam cũng mang ý nghĩa tích cực để củng cố kiến thức sau môn học và là khởi đầu cho sự thành công trong tương lai.

 – Thành tích nghiên cứu khoa học:

+ Giải Nhì Sinh viên nghiên cứu khoa học cấp Trường (2019-2020)

+ Tác giả/ đồng tác giả 03 bài tạp chí (2-Q2, 1-Q3) và 07 bài hội nghị trong nước và quốc tế

– Học bổng:

+ Học bổng khuyến khích học tập kỳ II năm học 2018-2019, năm học 2019-2020, năm học 2020-2021.

+ Học bổng Shinnyo năm học 2018-2019, 2019-2020, 2020-2021, 2021-2022.

+ Học bổng Vallet 2020, 2021.

+ Học bổng thạc sĩ trong nước VINIF 2022.

– Tên đề tài khoá luận: Xây dựng Robot bốn bánh xe đa hướng và bộ điều khiển dự đoán mô hình phi tuyến cho theo dõi quỹ đạo và điều hướng. Điểm số: 9.9

– Công việc hiện tại:

+ Kỹ sư AI – Robotics tại công ty TNHH Rikkei AI – Rikkeisoft.

+ Học viên cao học chuyên ngành Kỹ thuật điện tử – Trường Đại học Công Nghệ, ĐHQGHN

Giới thiệu sơ bộ về ngành, phương thức tuyển sinh dự kiến

Tham khảo: Ngành Kỹ thuật Điều khiển và Tự động hóa – Ngành học bắt nhịp với xu thế của thời đại | ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI (vnu.edu.vn)

(UET-News)

Bài viết liên quan