Hệ thống cửa tự động lắp cho biệt thự

   Sản phẩm hệ thống cửa tự động lắp cho biệt thự được nhóm nghiên cứu do PGS.TS. Phạm Mạnh Thắng, Phó chủ nhiệm thường trực Khoa Cơ học kỹ thuật và Tự động hóa – Trường ĐHCN – ĐHQGHN bắt đầu thực hiện từ năm 2012. 
   Đây là một trong 30 sản phẩm của nhóm nghiên cứu được ứng dụng thực tế tại nhiều doanh nghiệp và cơ quan.
   Chủ động làm chủ công nghệ
   Xuất phát từ tiêu chí làm chủ công nghệ kể cả phần cứng và phần mềm trong thiết kế, chế tạo sản phẩm và nhu cầu thực tiễn khi thấy các tòa nhà, biệt thự tại Việt Nam được xây dựng chưa được trang bị các thiết bị điều khiển, giám sát tự động, từ năm 2008 PGS.TS. Phạm Mạnh Thắng, PGS.TS. Trần Quang Vinh và nhóm nghiên cứu đã tổ chức triển khai đề tài Nghiên cứu cấp nhà nước KC03.12 “Nghiên cứu thiết kế chế tạo các cấu kiện và hệ thống thiết bị tự động hóa cho nhà cao tầng”. Tại các nước phát triển, những thiết bị tự động hóa thông minh đều được sử dụng tại các tòa nhà hiện đại, hiệu năng cao. Các thiết bị trong gia đình có thể được điều khiển và giám sát từ xa. Những năm gần đây, ở Việt Nam xu hướng sử dụng các thiết bị này ngày càng nhiều vì có thể tăng khả năng tiện nghi cho người sử dụng và tiết kiệm năng lượng. Do vậy, nhóm đã tạo ra ý tưởng nghiên cứu thiết kế chế tạo các thiết bị tự động hóa tòa nhà trong đó có sản phẩm cửa tự động lắp cho biệt thự. Đối với Việt Nam đây là lĩnh vực tương đối mới và quan trọng vì các tòa nhà được xây dựng ngày càng nhiều.
 
   Hiện nay, trên thị trường những trang thiết bị tự động hóa ứng dụng trong tòa nhà hoặc mô hình biệt thự đa số phải nhập ngoại và gặp khó khăn như giá thành cao, bảo trì hoặc bảo dưỡng khi hỏng hóc cần đến chuyên gia nước ngoài với phí dịch vụ đắt tiền. Bởi vậy, nếu Việt Nam không làm chủ công nghệ trong tương lai sẽ gặp khó khăn vì đây là xu hướng tất yếu khi xã hội phát triển.
   Trong quá trình thiết kế hệ thống cửa tự động lắp cho biệt thự, PGS.TS. Phạm Mạnh Thắng, TS. Jung Seung Chul và nhóm nghiên cứu đã thiết kế chế tạo các bộ điều khiển cùng các bo mạch điện tử phụ trợ cũng như lập trình nhúng các thiết bị và hoàn thiện sản phẩm với tính chất thương mại hóa sản phẩm này. Sản phẩm đã được hoàn thiện ở mức độ công nghệ qua công đoạn chạy thử và được ứng dụng ở một số gia đình trên địa bàn Quận Đống Đa, Quận Cầu Giấy thành phố Hà Nội.
    Sản phẩm tiết kiệm chi phí và năng lượng 
   Trên thực tế khái niệm cửa tự động không còn mới ở Việt Nam nhưng hiện nay trên thị trường các sản phẩm này đều nhập khẩu hoàn toàn với giá thành và công nghệ phụ thuộc vào các nhà cung cấp nước ngoài. Những sản phẩm này được các doanh nghiệp, đại lý nhập khẩu thiết bị từ Đài Loan, Hàn Quốc… lắp đặt và không cần quan tâm nhiều đến công nghệ. Vì thế, nếu muốn lắp đặt người sử dụng phải bỏ ra một khoảng chi phí đáng kể, chưa nói đến phí dịch vụ bảo trì và bảo dưỡng cho những sản phẩm này không rẻ. Sản phẩm cửa tự động lắp trong biệt thự chỉ là 1 trong những sản phẩm thành phần nhưng hoàn toàn được nhóm nghiên cứu chế tạo các bộ điều khiển từ vật liệu và linh kiện có mặt trên thị trường Việt Nam. Động cơ có thể nhập ngoại nhưng tất cả bộ điều khiển từ hệ thống điều khiển trung tâm cho đến hệ thống điều khiển động cơ, điều khiển từ xa… là nhóm tự thiết kế chế tạo và làm chủ được công nghệ thông qua thiết kế và lập trình cho các thiết bị này. Tất cả những bộ điều khiển này với giá thành giảm 50% so với các thiêt bị bên ngoài.
Quá trình thiết kế một số phụ kiện cho hệ thống cửa tự động
    Người sử dụng sẽ tiết kiệm được nhiều chi phí, thuận lợi hơn trong quá trình bảo trì, bảo dưỡng và không phụ thuộc vào chuyên gia nước ngoài. PGS.TS. Phạm Mạnh Thắng chia sẻ, sản phẩm này đã chứng minh nhóm nghiên cứu có thể từng bước làm chủ công nghệ trong thiết kế các hệ thống tự động hóa thành phần trong hệ thống tổng thể là tự động hóa tòa nhà. Bên cạnh đó, chúng ta có thể nhân rộng công nghệ này vì nhóm nghiên cứu đã thiết kế được cả phần cứng và phần mềm nhúng cho một hệ thống cửa này và có thể nạp trình hàng loạt để sản xuất đại trà. 
    Thương mại hóa sản phẩm KHCN
    Trong quá trình nghiên cứu, nhóm đã tập hợp được các cán bộ PGS, TS đều rất trẻ, năng động cùng lực lượng kỹ sư với niềm say mê nghiên cứu và chuyên môn phù hợp trong lĩnh vực này, nên sản phẩm cửa tự động đã được thiết kế chế tạo hoàn thiện. Tuy nhiên, trong năm qua thị trường tiêu thụ còn khó khăn do các nhà nghiên cứu chưa có kinh nghiệm trong kinh doanh nên việc liên kết với doanh nghiệp, triển khai quảng bá sản phẩm chưa được mở rộng. Tuy sản phẩm đã được sử dụng tại một số gia đình nhưng chưa đúng tiềm năng của sản phẩm. PGS.TS. Phạm Mạnh Thắng cho biết, đến thời điểm này, một số doanh nghiệp đã liên hệ với nhóm và hiện nay đang trong quá trình lựa chọn được doanh nghiệp đủ năng lực để tiêu thụ sản phẩm. Trong thời gian tới, nhóm cần hoàn thiện sản phẩm hơn nữa về mẫu mã vì công nghệ phụ trợ Việt Nam chưa phát triển so với nước ngoài.
Bộ trưởng Bộ KHCN cùng Giám đốc ĐHQGHN thăm sản phẩm cửa tự động khoa Cơ học kỹ thuật và Tự động hóa – Trường ĐHCN 
   Để phát triển sản phẩm hoàn thiện như hiện nay nhóm cũng có áp lực đối với công việc. Đặc biệt là khi phát triển các chương trình điều khiển cho các thiết bị thì việc thức đêm đến 2-3h sáng là chuyện bình thường. Ngoài ra, nhóm nghiên cứu đa số là những giảng viên tại khoa nên nhóm nghiên cứu đều coi việc nghiên cứu bổ trợ cho giảng dạy và việc giảng dạy là niềm vui khi kết hợp nghiên cứu.
Tuyết Nga (UET-News)
 ĐẶC TÍNH KỸ THUẬT:
Thông số kỹ thuật :
– Chức năng mở cổng từng cánh hoặc 02 cánh đồng thời
– Tích hợp bộ lưu điện tự động
– Có chức năng an toàn, đóng mở theo chế độ Auto/Manual
– Có thể điều khiển từ xa bằng Remote
– Khả năng kết nối : Có thể kết nối với tất cả các thiết bị an toàn và kiểm soát khác cho ngôi nhà.
Các thiết bị chính :
– 02 Mô tơ điện một chiều DC24V/3A
– 01 bộ điều khiển cổng mở UET03.Control
– 01 bộ điều khiển từ xa gồm 01 bộ thu và 02 tay bấm 4 phím (Remote control)
– 01 bộ cảm biến an toàn PIR
– 02 cánh tay mở .
– Điện áp: 24VDC, Công suất 150 W
– Đơn vị sản xuất: UET-VNU

Bài viết liên quan