Mùa hè ý nghĩa với chương trình trao đổi quốc tế của sinh viên Trường Đại học Công nghệ, ĐHQGHN
8 sinh viên khoa Vật lý Kỹ thuật và Công nghệ nano đã kết thúc mùa hè ý nghĩa bằng chuyến trao đổi học tập, nghiên cứu tại Viện Khoa học và Công nghệ Daegu Kyungbuk (DGIST), Hàn Quốc từ ngày 24/6-26/7/2024. Tại đây các UETers không chỉ gặt hái được những kiến thức, kỹ năng quý báu, mà còn đắm mình trong những trải nghiệm văn hóa, mở rộng tầm nhìn quốc tế, tạo nên một hành trình đáng nhớ và đầy cảm xúc.
Chuẩn bị hành trang khám phá môi trường quốc tế
Chuyến trao đổi học tập, nghiên cứu cho các sinh viên dựa trên sự hợp tác nghiên cứu khoa học giữa Khoa Vật lý kỹ thuật và Công nghệ nano (VLKT&CNNN), Trường Đại học Công nghệ, ĐHQGHN với Viện Khoa học và Công nghệ Daegu Kyungbuk, Hàn Quốc. Thông qua chuyến đi các sinh viên khoa Vật lý kỹ thuật và Công nghệ nano có cơ hội trải nghiệm, tích lũy những công nghệ hiện đại và kỹ năng nghề nghiệp trong môi trường quốc tế.
Là một trong 8 sinh viên được cử tham gia chuyến trao đổi lần này, sinh viên Trần Chí Thanh (K66) đã rất mong chờ được khám phá công nghệ, môi trường học tập và nghiên cứu tại Hàn Quốc: “Sau khi được biết bản thân được chọn tham gia chương trình trao đổi lần này, em đã rất vui và hào hứng vì đây là một cơ hội quý giá để em trải nghiệm một nền văn hóa mới, được học hỏi tích lũy kinh nghiệm từ các chuyên gia trong lĩnh vực vật lý kỹ thuật, có cơ hội học hỏi các phương pháp, kỹ thuật và công nghệ hiện đại từ một viện nghiên cứu danh tiếng tại Hàn Quốc. Những trải nghiệm trong chuyến đi có thể cung cấp những kiến thức và kỹ năng quý giá cho sự nghiệp của em” – Chí Thanh chia sẻ.
Sinh viên Trần Chí Thanh (K66) khám phá công nghệ, môi trường học tập và nghiên cứu tại Hàn Quốc
Bên cạnh sự háo hức, mong chờ được khám phá vùng đất, các sinh viên UET cũng không quê nhiệm vụ đó là học tập và nghiên cứu. Chính vì vậy, mỗi thành viên trong chuyến đi đều lên kế hoạch và mục tiêu trau dồi, tích lũy kiến thức cho bản thân trong hơn 1 tháng ở Hàn Quốc để gặt hái được những kết quả tốt nhất. Sinh viên Hoàng Thanh Tùng (K66) cho biết: “Trong 5 tuần tham gia chương trình, em tự đề ra mục tiêu cho mình là có thể học hỏi và nâng cao kiến thức của mình bằng việc học tập và nghiên cứu với những nhà khoa học đầu ngành tại Viện, được tiếp cận với những công nghệ mới nhất và những trang thiết bị tốt nhất để phục vụ cho công việc học tập tại trường sau này. Hơn nữa, em cũng muốn phát triển bản thân và trau dồi thêm kiến thức chuyên ngành và như kỹ năng mềm cần có, cuối cùng là giúp bản thân sau này thích nghi nhanh với tại một môi trường mới”.
Sinh viên Hoàng Thanh Tùng (K66)
Không chỉ học hỏi, tiếp thu kiến thức, chuyến đi còn là dịp để các sinh viên Trường ĐH Công nghệ – ĐHQGHN quảng bá văn hóa Việt Nam đến bạn bè quốc tế. Thông qua các hoạt động giao lưu, các UETers đã giới thiệu về đất nước, con người và văn hóa Việt Nam, góp phần tăng cường mối quan hệ giữa sinh viên các quốc gia.
Hành trình tại DGIST, Hàn Quốc
Mỗi một hành trình trải nghiệm quốc tế đều là những kỷ niệm đáng nhớ đối với sinh viên UET. Đây là lần thứ hai được tham gia chương trình trao đổi sinh viên quốc tế, sinh viên Đinh Trọng Thăng (K65) đã “tận hưởng” chuyến đi một cách trọn vẹn. Trọng Thăng hoàn toàn tự tin vào bản thân và nhanh chóng hòa nhập vào môi trường nghiên cứu, học tập tại DGIST, Hàn Quốc. “Bằng những kinh nghiệm của chuyến đi đến Đài Loan trước đây, lần này em đã có kinh nghiệm trong việc cân bằng và làm quen mọi thứ ở môi trường mới. Vì thế mà em có thể “tận hưởng” chuyến đi một cách trọn vẹn và đạt kết quả học tập, nghiên cứu tốt nhất để phục vụ cho quá trình học tập sau này” – Trọng Thăng chia sẻ. Bên cạnh đó, Trọng Thăng cũng bày tỏ niềm vui khi được đặt chân đến “xử sở kim chi” – một quốc gia phát triển, phong cảnh tươi đẹp, môi trường sạch sẽ.
Sinh viên Đinh Trọng Thăng (K65)
Bên cạnh nghiên cứu, học hỏi, các sinh viên cũng “tranh thủ” khám phá đời sống văn hóa bản xứ và các địa điểm “check in”.
Sinh viên Vũ Mai Phương Uyên (K66) tâm sự: “Hàn Quốc là địa điểm trao đổi nghiên cứu, học tập phù hợp với những người thích du lịch như em. Ngay sau khi làm thủ tục nhập cảnh, nhận ký túc xá với sự tự tin của bản thân về ngoại ngữ và sự trợ giúp của các bạn cùng phòng, Giáo sư hướng dẫn đã giúp chúng em nhanh chóng làm quen với môi trường tại đây. Sau những giờ học tập, nghiên cứu tại phòng thí nghiệm tại DGIST, em cùng các bạn khám phá nhiều phong cảnh và địa điểm văn hóa tại đất nước Hàn Quốc bằng hệ thống giao thông công cộng vô cùng thuận tiện, nhanh chóng. Trong khoảng thời gian tại DGIST, chúng em còn giao lưu, trao đổi và hiểu biết thêm nhiều văn hóa của các quốc gia khác khi có nhiều sinh viên các quốc gia khác đang học tập, nghiên cứu tại Hàn Quốc”.
Sinh viên Vũ Mai Phương Uyên (K66)
Dựa trên những nền tảng kiến thức, kỹ năng được trau dồi tại UET, các sinh viên từng ngày thích ứng với môi trường học tập, nghiên cứu tại DGIST. Mỗi sinh viên đã có những trải nghiệm đáng nhớ trong suốt hành trình hơn 1 tháng tại DGIST như phong cách làm việc, phương pháp giảng dạy, nghiên cứu, con người, công nghệ và kỹ thuật.
Sinh viên Phạm Thị Thanh Huyền, Hán Thị Thu cùng các bạn trong nhóm được tham dự các buổi họp, thảo luận một cách nghiêm túc nhưng cũng rất sáng tạo và mở rộng. Thanh Huyền (K66) hào hứng cho biết: “Sau khi tham gia từng buổi họp nhóm em không ngờ phong cách làm việc của các giáo sư Hàn Quốc lại chuyên nghiệp như vậy. Các thầy luôn tập trung nghiên cứu, trao đổi vào sự đổi mới và cải tiến liên tục trong công nghệ. Điều đó làm cho các cuộc thảo luận bớt sự nhàm chán và tạo sự hứng khởi cho sinh viên tham gia”. Trong khi đó, sinh viên Hán Thị Thu (K65) lại vô cùng ấn tượng với tinh thần làm việc nhóm, sự hiểu biết lẫn nhau giữa các thành viên trong các dự án nghiên cứu. “Em có thể thấy sự phối hợp nhịp nhàng và hỗ trợ lẫn nhau trong công việc giữa các thành viên trong dự án nghiên cứu. Với việc được tham gia trực tiếp vào những nhóm nghiên cứu đã giúp chúng em trau dồi thêm những kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm để đạt hiệu quả cao trong nghiên cứu. Bên cạnh đó, phương pháp giảng dạy tại DGIST rất ấn tượng khi công nghệ được tích hợp vào giảng dạy, từ việc sử dụng các phần mềm học tập đến các công cụ kỹ thuật số để hỗ trợ quá trình học tập và nghiên cứu” – Hán Thị Thu chia sẻ.
Sinh viên Phạm Thị Thanh Huyền (K66)
Sinh viên Hán Thị Thu (K65)
Sau hơn một tháng tại DGIST, đoàn sinh viên khoa Vật lý Kỹ thuật và Công nghệ nano được nâng cao kiến thức về lĩnh vực công nghệ, có sự trưởng thành rõ rệt về kỹ năng mềm, sự tự tin và ngoại ngữ. Những hành trang quý giá tại UET tham gia nghiên cứu khoa học từ những năm đầu đại học, tham gia thực hành tại các phòng thí nghiệm của khoa đã giúp các bạn tự tin tham gia chương trình, sẵn sàng hội nhập quốc tế. Trong thời gian tới, bên cạnh việc hoàn thành chương trình cử nhân ngành Vật lý kỹ thuật và kỹ sư ngành Kỹ thuật năng lượng, các sinh viên chắc chắn sẽ mở rộng thêm nhiều cơ hội để phát triển bản thân cả trong nước và ngoài nước.
(UET-News)