Mang hình ảnh quê hương ra nước ngoài

       Trong cuộc thi khởi nghiệp diễn ra tại sự kiện Techfest – ngày hội khởi nghiệp và đầu tư đầu tiên tại Việt Nam, hai công ty Việt Nam đã giành chiến thắng gồm Horus và VP9, giải thưởng là chuyến đi đến Slush 2015 diễn ra vào ngày 11- 12/11 tại Helsinki, Phần Lan. Trong đó, công ty VP9 là do nhóm cựu sinh viên Trường Đại học Công nghệ, ĐHQGHN thành lập với sản phẩm VP9.TV.
       Được biết, thành viên sáng lập công ty VP9 là cựu sinh viên Trường Đại học Công nghệ, vậy công ty có ý nghĩa như thế nào?
      Công ty VP9 bao gồm 4 thành viên sáng lập bao gồm Nguyễn Đình Nam, Hồ Ngọc Quang, Bùi Thế Phong, Cao Văn Việt. Ba thành viên trong hội đồng đều là cựu sinh viên Trường Đại học Công nghệ ở các khóa K44, K46 và K51.
      VP9 là công ty khởi nghiệp của các nhà khoa học trẻ tại Việt Nam, dựa trên công trình nghiên cứu nén audio/video nhỏ để giúp truyền tải tín hiệu truyền hình đi xa qua Internet một cách ổn định và hiệu quả. Với hệ thống truyền dẫn mạnh nối từ Việt Nam sang Mỹ và châu Âu, VP9 đảm bảo có thể cung cấp tín hiệu truyền hình đẹp và ổn định, hỗ trợ xem trên tất cả các thiết bị chạy các hệ điều hành phổ biết như Windows, Mac, Linux, Android, iOS, BlackBerry, Windows Phone.
      Nhóm đã bắt đầu hình thành ý tưởng nghiên cứu sản phẩm từ bao giờ?
    Ông Bùi Thế Phong: Trong quá trình học tập được sự bồi dưỡng của các thầy cô giáo Trường ĐHCN đối với nghiên cứu khoa học. Tôi đã bắt đầu có niềm đam mê với nghiên cứu vì vậy năm 2002 tôi thành lập nhóm nghiên cứu khoa học với những thành viên ban đầu đều là K46. Nhưng sau thời gian học tập, tôi không muốn niềm đam mê chỉ dừng lại ở ghế Nhà trường mà còn muốn những sản phẩm sẽ mang lại lợi ích cho xã hội, đó là một trong những lý do thúc đẩy để năm 2006 tôi bắt đầu khởi nghiệp với các sản phẩm nghiên cứu cho đến nay.
      Hiện nay, công ty đang thực hiện dự án sản phẩm như thế nào để ứng dụng trong xã hội?
     Ông Bùi Thế Phong: Công ty hiện tại đang cung cấp các giải pháp liên quan đến nén dữ liệu cung cấp cho các đài truyền hình và các hệ thống camera giám sát. VP9.TV mang đến nhiều nội dung giải trí truyền hình internet đặc biệt, hấp dẫn theo mong muốn của người dùng. Dịch vụ nội dung số, giải trí truyền hình internet  VP9.TV hiện có các kênh truyền hình – giải trí trong nước và nước ngoài, phim, nhạc…
Ông Nguyễn Đình Nam: Công ty cổ phần VP9 là một doanh nghiệp spin-off. Sản phẩm của chúng tôi là một nền tảng video streaming dựa trên một thuật toán mã hóa video đã được đánh giá bởi các các tổ chức có thẩm quyền như Dự án FIRST (Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam / Ngân hàng Thế giới). Nền tảng streaming VP9 sẽ giúp video trên mạng truyền dễ dàng, rẻ và sắc nét.
      Trong quá trình thực hiện có những thuận lợi và thách thức ra sao đối với sản phẩm và công ty?
     Ông Bùi Thế Phong: Các cụ ngày xưa đã có câu “vạn sự khởi đầu nan” cho nên  khi mới bắt đầu khởi nghiệp, khó khăn thách thức nhất của nhóm cũng như công ty là vốn đầu tư và thị trường. Khi muốn làm ra sản phẩm để phục vụ xã hội thì người làm ra sản phẩm luôn muốn đạt hiệu quả, tác dụng cao nhất. Bên cạnh đó, còn phải suy nghĩ xem sản phẩm sẽ được đón nhận như thế nào và ở đâu. Những suy nghĩ đó luôn là thách thức để nhóm và công ty sản xuất sản phẩm đặt lên hàng đầu. Điều bất ngờ là khi sản phẩm TVbox VP9  ra đời đã được cộng đồng người Việt ở nước ngoài đón nhận và ủng hộ nhiệt tình nên lại làm nhóm có thêm động lực phát triển, nghiên cứu sản phẩm.
Anh Nguyễn Đình Nam đại diện Nhóm VP9 (đứng thứ ba, từ phải vào) nhận giải thưởng tại Techfest
 
       Cuộc thi này đã đem lại ý nghĩa như thế nào đối với sản phẩm và nhóm của anh nói riêng, những dự án khác nói chung?
      Ông Nguyễn Đình Nam: Các giải thưởng nhóm của tôi vinh dự nhận được hôm nay chỉ là bước đệm ban đầu của doanh nghiệp khởi nghiệp. Chúng tôi còn chặng đường dài phải đi. Khởi nghiệp chỉ là vấn đề nhỏ còn lập nghiệp mới là chặng đường dài hơn. Để có được thành công bước đầu này, theo ông Nam không thể không kể đến sự sát cánh, hỗ trợ của các cựu sinh viên trường Đại học Công nghệ, ĐHQGHN – cái nôi nuôi dưỡng nhiều nhân tài.
Ông Bùi Thế Phong: Mục tiêu của VP9 là làm tăng tốc độ truyền tải nội dung qua internet tới người dùng và mang truyền hình Việt Nam đi khắp thế giới, để bất cứ ở nơi đâu, người Việt xa xứ có thể xem truyền hình quê hương. Cuộc thi này giúp anh có cơ hội tiếp cận với các nhà đầu tư nước ngoài, bọn anh được tư vấn về quản lý tài chính và phát triển công nghệ theo hướng tích cực hơn.
Dây chuyền sản xuất và kiểm thử hộp giải trí VP9TV4
 
       Trước đó, công ty đã từng tham gia các sự kiện đầu tư nào như Techfest chưa? Ông mong đợi điều gì từ chuyến đi đến Slush?
       Ông Nguyễn Đình Nam: Chúng tôi chưa từng tham dự sự kiện nào tương tự như vậy. Theo quan điểm của chúng tôi, các sản phẩm cần được nghiên cứu và phát triển hoàn toàn và được thử nghiệm bởi người dùng trước khi giới thiệu đến các nhà đầu tư. Hiện tại, khi chúng tôi đã hoàn thành nghiên cứu và phát triển sản phẩm và đã có thị trường, chúng tôi cần các nhà đầu tư để mở rộng quy mô. Techfest là những nhà đầu tư đầu tiên nghe nói về VP9 video streaming, và họ đã bày tỏ sự quan tâm đến sản phẩm của chúng tôi.
Chúng tôi rất vui mừng về chuyến đi này vì đó là cơ hội  cho chúng tôi để kêu gọi đầu tư và mở rộng quy mô trên toàn cầu. Chúng tôi hy vọng rằng tham dự sự kiện Slush, chúng tôi có thể kêu gọi đầu tư thành công cũng như kết nối với nhiều đối tác và khách hàng.
      Hiện tại, tháng 11 anh sẽ sang Phần Lan dự thi vậy nhóm sẽ thực hiện những ý tưởng nào mới không?
        Ông Bùi Thế Phong: Nhóm sẽ tiếp tục hoàn thiện sản phẩm với thêm nhiều chức năng đa dạng, phong phú để đáp ứng người tiêu dùng. Trong tương lai anh cố gắng phát triển VP9 thành một công ty cung cấp các giải pháp CDN lớn.
      Ông Nguyễn Đình Nam: Chúng tôi đánh giá cao Chính phủ Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng như các nhà tài trợ nước ngoài như Chính phủ Phần Lan và Ngân hàng Thế giới đã hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp như chúng tôi. VP9 và các doanh nghiệp vừa và nhỏ khác tại Việt Nam cần sự hỗ trợ về nhân lực, phân tích thị trường, huy động vốn… Vì vậy, một số dự án hay sự kiện như IPP, FIRST và Techfest sẽ khuyến khích chúng tôi đổi mới sáng tạo, đối mặt với những khó khăn và phát triển hơn nữa.
        Sau cuộc thi, nhóm có những chia sẻ thêm như thế nào?
       Ông Nguyễn Đình Nam: Sau nhiều năm quay lại trường xưa, tôi thấy rất thích thú với nhiều dự án có chiều sâu của trường. Tôi khá ngạc nhiên là các dự án đó đã cho ra được các sản phẩm có thể thương mại hóa và nhóm sẽ tìm hiểu cách thức hợp tác với Trường ĐHCN, ĐHQGHN không chỉ trong dự án cụ thể này mà sẽ hiện thực hóa mô hình hợp tác giữa doanh nghiệp và đại học một cách hiệu quả nhất. Để từ đó, sẽ hợp tác cùng nghiên cứu phát triển sản phẩm với Trường ĐHCN, ĐHQGHN.
Xin trân trọng cảm ơn!
Theo Thiên Bình (Tạp chí VNU số 295)

Bài viết liên quan