Mạng internet vạn vật công nghiệp ảnh hưởng đến Việt Nam
Ngày 09/01, Viện Tiên tiến về kỹ thuật và công nghệ (Trường Đại học Công nghệ) tổ chức seminar “Mạng internet vạn vật công nghiệp (IIoT): Ảnh hưởng của IIoT đến Việt Nam” do GS. TSKH. Huỳnh Hữu Tuệ trình bày.
Buổi hội thảo có sự tham dự của PGS.TS. Nguyễn Linh Trung – Viện trưởng Viện Tiên tiến về kỹ thuật và công nghệ, TS. Đinh Triều Dương – Chủ nhiệm khoa Điện tử viễn thông, PGS.TS. Đặng Thế Ba – Phó Chủ nhiệm khoa Cơ học kỹ thuật và tự động hóa cùng cán bộ, giảng viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh trong Nhà trường.
Bài trình bày của GS. TSKH Huỳnh Hữu Tuệ giới thiệu những khái niệm và phân tích một số ví dụ cụ thể để người nghe có thể hiểu rõ những gì đang xảy ra trong thời kỳ chuyển đổi số của mạng internet vạn vật công nghiệp hay còn gọi là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.Đồng thời cũng nêu rõ một số vấn đề mà công nghiệp 4.0 sẽ gây ra cho con người, đặc biệt là sự ảnh hưởng đến công nghiệp và nền kinh tế Việt Nam.
Theo GS. Tuệ, cách mạng công nghiệp 4.0 thực chất là tổ chức lại hệ thống sản xuất mà dùng tất cả công nghệ (hội tụ vi điện tử, viễn thông và công nghệ thông tin) để đạt kết quả cao nhất. Với những phát triển mạnh mẽ và nhanh chóng của mạng truyền dẫn dữ liệu và các thuật toán xử lý thông tin áp dụng vào các tập dữ liệu lớn, nền công nghiệp sản xuất hiện đại có những bước nhảy vọt từ hơn 20 năm qua. Truyền dẫn số là cơ sở của tất cả mọi cách mạng cuối thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21, ngay cả cách mạng công nghiệp 4.0. Những phát triển này đang hướng các nền công nghiệp hiện đại vào một tình trạng được gọi là công nghiệp 4.0, hay xu thế cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
GS.TSKH Huỳnh Hữu Tuệ trình bày tại seminar “Mạng internet vạn vật công nghiệp (IIoT): Ảnh hưởng của IIoT đến Việt Nam”
Mạng internet vạn vật thực chất là mạng truyền dữ liệu với sự kết nối vào đó của nhiều thiết bị có dữ liệu để đưa lên mạng. Công nghiệp 4.0 thiết kế các nhà máy và xây dựng các dây chuyền sản xuất, chủ yếu dựa vào các tính chất “nối kết liên hệ thống”, “tự động hóa”, “trí tuệ nhân tạo”, “học máy” và “dữ liệu lớn”, “thu thập và cùng đối mặt với xử lý dữ liệu theo thời gian thực”. Những tính chất này tương ứng với các thiết bị thông minh; các hệ thống liên thông các dữ liệu bằng mạng truyền dữ liệu Internet; vì thế công nghiệp 4.0 cũng được gọi là “Mạng Internet vạn vật công nghiệp” hoặc là “Sản xuất thông minh”.
Trong thời gian diễn ra hội thảo, các cán bộ và giảng viên tham dự đã trao đổi sôi nổi với GS. TSKH. Huỳnh Hữu Tuệ về ứng dụng công nghiệp 4.0 cho các ngành đào tạo của giáo dục Việt Nam nói chung và của Trường ĐHCN nói riêng.
Bài trình bày không chỉ mang lại những kiến thức học thuật về một thời đại công nghiệp mới mà còn chia sẻ những kinh nghiệm về quản lý giáo dục của một chuyên gia nước ngoài khi trở về Việt Nam.
Có thể nói, buổi hội thảo đã diễn ra thành công tốt đẹp và hứa hẹn sự hợp tác mới trong tương lai giữa GS. TSKH. Huỳnh Hữu Tuệ và Trường ĐHCN nhằm đưa nền giáo dục, khoa học nước nhà lên một tầm cao mới.
Tuyết Nga (UET-News)
GS. TSKH Huỳnh Hữu Tuệ là một trong số những sinh viên xuất sắc được học bổng du học tại Canada năm 1960. Sau thời gian học ĐH Laval- Cannada, nhờ có kết quả học tập tốt, ông đã được giữ lại trường làm nghiên cứu sinh ngành viễn thông, đồng thời làm giảng viên tại trường. Đến năm 1972, hoàn tất thêm luận án Tiến sĩ khoa học về chuyên ngành Xử lý thông tin và đến năm 1981, ông được phong hàm Giáo sư. Tiếng tăm về người Tiến sĩ Canada gốc Việt đã làm nhiều nhà khoa học nước bạn nể phục. Nhiều năm liền ông là Phó Chủ tịch Hội người Việt ở Canada và là người luôn quan tâm tới tình hình phát triển của quê nhà, đặc biệt là về giáo dục. GS.TSKH Huỳnh Hữu Tuệ đã có nhiều thời gian làm việc, đóng góp cho sự phát triển của Trường ĐHCN, là Chủ nhiệm bộ môn Xử lý Thông tin thuộc Khoa Điện tử-Viễn thông của Trường giai đoạn 2005-2007.