Khóa học trải nghiệm khơi dậy đam mê lập trình điều khiển robot
Ngày 7/10, Khoa Điện tử viễn thông (Trường Đại học Công nghệ) đã tổ chức khai giảng chương trình trải nghiệm thiết kế, chế tạo và lập trình điều khiển robot tại nhà G2.
Tham dự buổi lễ có TS. Đinh Triều Dương – Chủ nhiệm khoa Điện tử viễn thông, ThS. Phạm Duy Hưng – Trưởng phòng Hành chính quản trị cùng các thầy cô giáo và 8 sinh viên K59ĐB sẽ đồng hành với sinh viên trong khóa học trải nghiệm.
TS. Đinh Triều Dương phát biểu tại lễ khai mạc khóa học
Khóa học trải nghiệm này do Khoa ĐTVT tổ chức lần đầu tiên. Đây sẽ là sân chơi cung cấp một số lý thuyết cơ bản về điện tử, điều khiển, tổ chức phần cứng, phần mềm … và cách thức để điều khiển, xây dựng, thiết kế một robot di động theo ý muốn của bản thân. Trong quá trình đó, sinh viên sẽ phát triển được các kỹ năng sáng tạo, lập trình và làm việc theo nhóm.Điểm đặc biệt là khóa học được tổ chức hoàn toàn miễn phí, các nhóm sinh viên sẽ được cung cấp các trang thiết bị và một phần kinh phí để mua thêm linh kiện điện tử cần thiết cho việc chế tạo robot theo mục tiêu thiết kế của nhóm. Khóa học sẽ giúp sinh viên được trải nghiệm thực tế quá trình mua linh kiện qua sự hướng dẫn của các thầy/cô và nhóm sinh viên nghiên cứu về robotics của lớp K59ĐB.
Nhóm sinh viên K59ĐB sẽ đồng hành cùng các sinh trong quá trình trải nghiệm
Lớp học đã thu hút được nhiều sinh viên K62 nhóm ngành công nghệ thông tin, truyền thông và một số nhóm ngành khác. Khóa học dự kiến kết thúc vào ngày 14/10/2017 bằng một cuộc thi giữa các nhóm sinh viên.
Phát biểu tại lễ khai mạc, TS. Đinh Triều Dương bày tỏ sự vui mừng khi số lượng sinh viên đăng ký trải nghiệm khóa học vượt ngoài dự kiến của Khoa.TS. khẳng định tuy khóa học chỉ diễn ra trong một tuần nhưng với kinh nghiệm cùng sự dẫn dắt nhiệt tình, chu đáo của các thầy cô giáo và sự giúp sức của các sinh viên K59ĐB khóa học sẽ mang lại điều bổ ích, lý thú cho sinh viên. Sau khóa học này, sinh viên có thể tự tạo ra một sản phẩm robot di động với những cử động và điều khiển theo mong muốn của bản thân. Tham gia khóa học sinh viên sẽ có thêm kiến thức liên quan đến lập trình, thiết kế chế tạo hệ thống, đồng thời các em được rèn luyện kỹ năng nhóm, sáng tạo và đam mê.Khởi tạo cho sinh viên sự đam mê là điều quan trọng các thầy cô giáo trong khoa hướng tới, từ đó sẽ tạo được thành công trong tương lai của các em. Việc nuôi dưỡng đam mê sáng tạo khởi nghiệp và môi trường sinh viên nghiên cứu khoa học từ thuở ban đầu rất quan trọng.
Trong thời gian tới, ngoài công tác đào tạo Khoa còn mong muốn được song hành với sinh viên trong những khóa học chuyên sâu khác. Để có cơ hội hỗ trợ, góp phần phát triển đam mê giúp sinh viên có nền tảng phát triển thành công. Chính các em sẽ biến sự đam mê thành sản phẩm khoa học. Kết thúc khóa học, các em sẽ được nhận chứng chỉ và tham gia cuộc thi giữa các nhóm sinh viên.
Trước khi lớp học diễn ra, ThS. Nguyễn Thị Thanh Vân – Trưởng phòng thực hành ĐTVT đã phổ biến chương trình chi tiết và nội quy lớp học. ThS yêu cầu các sinh viên trong nhóm sẽ phát huy khả năng sáng tạo của bản thân, phân nhóm phù hợp với lịch học và sắp xếp thời gian làm việc nhóm hợp lý tại phòng thí nghiệm. Việc đánh giá kết quả sẽ khác so với các khóa học khác không phải là một kỳ thi trả bài hay hơn thua về điểm số mà khoa sẽ tổ chức giao lưu thi đấu giữa các nhóm sinh viên. Nhóm sinh viên nào sở hữu robot với khả năng và năng lực tốt nhất đạt mục tiêu thiết kế sẽ chiến thắng.
ThS. Phạm Duy Hưng (bên phải ảnh) giảng dạy khóa học
Ngay sau khai giảng, sinh viên đã hào hứng tham gia bài giảng tổng quan về hệ thống robot di động do ThS Phạm Duy Hưng giảng dạy và bắt tay vào tìm hiểu, phân tích, thiết kế robot di động.Đại diện sinh viên K62 cho biết, Ban đầu khi chưa quen với một số thuật ngữ chuyên ngành nên em thấy khó hiểu, nhưng càng về sau em thấy dễ hiểu và yêu thích hơn. Em rất muốn được lắp rắp thành công một robot hoàn chỉnh, nhưng em nghĩ là làm được điều này rất khó và em chưa bao giờ tưởng tượng rằng bản thân sẽ tự tay lắp ráp, lập trình được nó. Nhưng khóa học này sẽ giúp em làm được điều mình thích và tự tin hơn. Biết đâu trong tương lai em sẽ nghĩ đến việc trở thành một kỹ sư thiết kế robot.
Các sinh viên bắt đầu tìm hiểu từng linh kiện tại phòng thí nghiệm của khoa
Dự kiến khóa học thứ 2 sẽ được bắt đầu ngay sau khi khóa 1 kết thúc.
Tuyết Nga (UET-News)