GS.TSKH Nguyễn Đình Đức: Vì sao phải xếp hạng đại học?

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức – Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Công nghệ (33WIN – ĐHQGHN), nguyên Trưởng ban Đào tạo của ĐHQGHN đã đưa ra một số lý do mà các cơ sở giáo dục đại học (CSGDĐH) cần thiết phải tham gia xếp hạng đại học. GS Đức nhấn mạnh là “phải” thay vì “nên” tham gia xếp hạng đại học.

Xếp hạng đại học là tất yếu của sự phát triển

Theo GS Nguyễn Đình Đức, xếp hạng đại học là một sân chơi giúp các cơ sở giáo dục đại học (CSGDĐH) có khả năng đối sánh với các trường khác ở quốc tế, biết mình mạnh gì, yếu gì, đang ở đâu so với các trường đại học khác trong khu vực và trên thế giới để cải tiến chất lượng, nâng cao vị thế. Vì vậy, chúng ta rất nên tham dự cuộc chơi này vì nó mang lại lợi ích cho tất cả (nhà trường, người học và xã hội).

Mặt khác, “xếp hạng đại học còn là thực hiện Luật” – GS Đức nhấn mạnh. Luật Luật số: 34/2018/QH14 ngày 19/11/2018 Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học đã sửa đổi Điều 9 như sau: “1. Xếp hạng cơ sở giáo dục đại học nhằm đánh giá uy tín, chất lượng, hiệu quả hoạt động theo tiêu chí nhất định, đáp ứng nhu cầu thông tin cho cá nhân, tổ chức có liên quan. 2. Cơ sở giáo dục đại học chủ động lựa chọn, tham gia các bảng xếp hạng có uy tín trong nước, quốc tế. 3. Pháp nhân phi thương mại Việt Nam được thực hiện xếp hạng cơ sở giáo dục đại học; phải bảo đảm trung thực, khách quan, minh bạch, có trách nhiệm công khai, giải trình về phương pháp, tiêu chí và kết quả xếp hạng.”. Như vậy, “các CSGDĐH Việt Nam phải lựa chọn để tham gia xếp hạng còn là để thực hiện Luật Giáo dục đại học” – GS Đức nhấn mạnh.

GS Nguyễn Đình Đức chia sẻ, với những lần đi công tác nước ngoài, gặp gỡ và trao đổi với đối tác nước ngoài, khi giới thiệu là cán bộ của ĐHQGHN – vị thế về xếp hạng của ĐHQGHN trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam đã được đối tác coi trọng, và đây là một lợi thế. Rõ ràng, có ví trí cao trong bảng xếp hạng đại học của thế giới sẽ là một lợi thế trong quan hệ hợp tác nói chung và hợp tác quốc tế nói riêng.

Trong xếp hạng đại học, GS Đức khẳng định, công bố quốc tế là một chỉ số rất quan trọng trong tất cả các bảng xếp hạng. Bởi đại học là nơi sáng tạo tri thức, đỉnh cao của tri thức. Các nghiên cứu, công bố kết quả đỉnh cao là chỉ số được đánh giá rất cao, thể hiện năng lực dẫn dắt, đổi mới sáng tạo của các CSGDĐH. Cũng chính vì quan trọng như vậy, nên các cơ quan báo chí đã phản ánh một số hiện tượng một số trường đại học mua bài báo, khai man, tạo nên thứ hạng xếp hạng không đúng với thực lực – đây là hiện tượng “con sâu làm rầu nồi canh”. GS Nguyễn Đình Đức cho rằng, một số hiện tượng tiêu cực trong việc kê khai, chạy theo thành tích ảo trong xếp hạng đại học không có nghĩa là chúng ta tẩy chay xếp hạng đại học, mà càng đòi hỏi các tổ chức xếp hạng phải không ngừng cải tiến trong cách đo lường và đánh giá sao cho xếp hạng ngày càng chính xác hơn nữa, không thể/không có cơ hội để khai man trong thời gian tới.

Sau nhiều năm định hướng và phát triển, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc đã có thêm nhiều trường đại học lọt trong top các trường đại học hàng đầu của thế giới. Rất đáng để họ tự hào và phấn đấu. Điều này một lần nữa khẳng định vai trò của xếp hạng đại học không chỉ quan trọng đối với các nước đang phát triển như Việt Nam mà còn quan trọng cả đối với nhưng nước phát triển trên thế giới.

Một số hiện tượng tiêu cực bên cạnh xu hướng tích cực

Trang chủ của bảng xếp hạng đại học THE.

Năm 2018, lần đầu tiên 2 đại học quốc gia (ĐHQG) của Việt Nam lọt vào bảng xếp hạng 1000 thế giới (theo bảng xếp hạng QS – QS World University Rankings). Sau đó, một số CSGDĐH lớn, trong đó có 2 ĐHQG đã tiếp tục lọt vào các bảng xếp hạng khó hơn như THE (Times Higher Education World University Rankings) và bảng xếp hạng của Đại học Giao thông Thượng Hải. Các năm sau, giáo dục đại học của Việt Nam ngoài việc xếp hạng tổng thể còn ghi nhận xếp hạng các lĩnh vực. Năm 2023, 8/10 lĩnh vực tham gia xếp hạng của ĐHQGHN lọt vào top 1000 trong bảng xếp hạng THE. Lĩnh vực Kỹ thuật và Công nghệ của ĐHQGHN đã lọt top 386 thế giới theo bảng xếp hạng QS 2022. Trường Đại học Công nghệ, ĐHQGHN đã đề ra mục tiêu một số lĩnh vực lọt top xếp hạng 200 thế giới vào năm 2045.

Có thể khẳng định, tất cả thủ đô của các nước phát triển đều có những đại học hàng đầu. Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 05/05/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đề ra mục tiêu đến năm 2030, Thủ đô Hà Nội phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực; đến 2045 có trình độ phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới. Đây là một mục tiêu đầy tham vọng. Sẽ thật khó đạt được nếu Thủ đô Hà Nội không có đại học nào lọt top các đại học hàng đầu thế giới.

GS Nguyễn Đình Đức cho biết, mới đây, có bài báo viết về hiện tượng một số CSGDĐH lớn từ bỏ sân chơi xếp hạng đại học; trong bài, tác giả dùng từ “nhiều” là chưa chính xác. Bản chất xếp hạng đại học là một dạng “kiểm chuẩn” (benchmark) để đối sánh, đảm bảo chất lượng. Có hàng nghìn CSGDĐH đang tham gia không nói đến, mà hễ 1, 2 CSGDĐH không tham gia (vì họ đã từng xếp hạng cao và uy tín) thì lại xoáy vào. Điều này đang tạo nên sự hiểu lầm và bàn lùi trong giáo dục đại học. Điều đáng buồn là nhiều CSGDĐH Việt Nam chưa dám đặt ra mục tiêu tham gia xếp hạng. Việc phản đối và không ủng hộ việc a dua, khai man và bằng mọi cách để “mua” xếp hạng là cần thiết, nhưng nếu không xếp hạng, không theo luật chơi của quốc tế, vào sân chơi của thế giới, giáo dục sẽ khó hội nhập, thậm chí mất phương hướng, vì không có đối sánh sẽ không biết mình đang ở đâu, đang đi đâu, về đâu.

Tóm lại, “các CSGDĐH Việt Nam phải lựa chọn tham gia các bảng xếp hạng đại học, đây là việc làm hết sức cần thiết để hội nhập quốc tế và để thực hiện Luật Giáo dục đại học” – GS Đức nhấn mạnh.

Theo Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam

(https://vjst.vn/vn/tin-tuc/9229/vi-sao-phai-xep-hang-dai-hoc.aspx)

Bài viết báo chí:

Báo Đại biểu nhân dân: Vì sao phải xếp hạng đại học?

Bài viết liên quan