Giải nhất tại cuộc thi Ý tưởng sáng tạo công nghệ quốc gia: TechNexa – Hệ thống lên men thực phẩm tự động

TechNexa – Hệ thống lên men thực phẩm tự động là dự án do nhóm HUPTECH gồm sinh viên Khoa Công nghệ nông nghiệp, Trường ĐH Công nghệ kết hợp cùng thành viên đến từ các trường trong ĐHQGHN triển khai. Xuất phát từ phương châm “Học bằng Làm” của khoa Công nghệ Nông nghiệp, các bạn sinh viên đã “nung nấu” ý tưởng về việc làm ra món ăn dân dã và truyền thống của người Việt theo một cách “tự động hóa” nhưng vẫn đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và hiện thực hóa bằng hệ thống TechNexa.

Đại diện HUPTECH, sinh viên Phùng Trường Trinh, QH-2021-I/CQ, khoa Công nghệ nông nghiệp chia sẻ về tính thực tiễn cũng như trải nghiệm của nhóm trong quá trình thực hiện đề tài.

Sau khi TechNexa đạt giải nhất tại cuộc thi Ý tưởng sáng tạo công nghệ quốc gia, các thành viên trong nhóm đã có những suy nghĩ đầu tiên như thế nào?

Em và các thành viên trong nhóm vô cùng tự hào khi ý tưởng TechNexa đạt giải Nhất tại cuộc thi Ý tưởng sáng tạo công nghệ quốc gia – RnD to StartUp, đặc biệt là hệ thống còn được công nhận, đánh giá cao bởi những nhân vật có uy tín và thành công trong lĩnh vực kinh doanh, khởi nghiệp như Shark Nguyễn Hòa Bình, Shark Phạm Thanh Hưng, ông Nguyễn Thành Nam, TS. Đoàn Đức Minh, Bà Katie Nguyễn. Sự công nhận này không chỉ là một thành tựu cho nỗ lực của nhóm sinh viên chúng em mà còn khẳng định rằng ý tưởng TechNexa – Hệ thống lên men thực phẩm tự động có tiềm năng thực sự và có thể góp phần thay đổi và cải thiện vệ sinh an toàn thực phẩm đối với những món ăn dân dã của người Việt. Tại Hàn Quốc với món kim chi muối có thể mang về hàng triệu đô la Mỹ mỗi năm, đồng thời trở thành một trong những hình ảnh biểu trưng cho con người Hàn Quốc, vì vậy chúng em cũng mong muốn nâng tầm giá trị cho món dưa cà muối của Việt Nam. Chúng em thực sự cũng mong muốn được đưa món dưa chua và hệ thống lên men dưa chua made by FAT-UET đến với ký túc xá của tất cả các trường đại học ở khu vực Hà Nội, hoặc ít nhất là của 33WIN.

Nhóm HUPTECH đạt giải Nhất tại cuộc thi Ý tưởng sáng tạo công nghệ quốc gia – RnD to StartUp

Xuất phát từ ý tưởng và thực tiễn nào mà các thành viên trong nhóm đã lựa chọn thực hiện đề tài TechNexa?

TechNexa là ý tưởng xuất phát từ một trong số những câu hỏi rút ra từ bài giảng của các thầy cô trong khoa Công nghệ nông nghiệp. “Làm sao tạo ra một sản phẩm muối chua (lên men lactic) an toàn cho sức khỏe, nhanh chóng và tự động?”. Các thành viên trong nhóm đều muốn áp dụng công nghệ sinh học kết hợp với công nghệ IoT để đem món ăn dân dã này vào từng bữa cơm gia đình và đảm bảo sản phẩm vệ sinh an toàn thực phẩm. Nhóm đã thành công khi chứng minh tất cả các sản phẩm muối chua (dưa muối, cà muối, tôm chua…) đều có khả năng kháng vi khuẩn gây bệnh đường ruột. Đồng thời, quá trình lên men sản phẩm tiết kiệm thời gian (chỉ từ 12 – 24 giờ), công sức và tiện lợi cho người sử dụng. Với sự nỗ lực của nhóm, hệ thống lên men chua tự động đã được đăng ký độc quyền sáng chế (đã có chấp nhận đơn).

Trước khi có được hệ thống này, nhóm đã tiến hành khảo sát hơn 50 quán ăn, nhà hàng tại khu vực quận Cầu Giấy, Bắc Từ Liêm và nhận ra những vấn đề của họ trong việc muối chua một sản phẩm rau, củ quả, gồm:

– Quá trình muối chua tự nhiên thì có nhiều nguy cơ, rủi ro: tạp khuẩn và việc sử dụng dưa khi quá xổi và khú (quá chín) sẽ có nguy cơ gây ung thư cho con người.

– Sản phẩm muối chua theo phương pháp truyền thống trung bình sẽ hoàn thành trong khoảng từ 4-5 ngày và sử dụng từ 1-2 ngày sau đó nếu không được bảo quản ở nhiệt độ thấp.

 Những sản phẩm muối chua theo cách thông thường thì không được đồng đều về hương và vị.

TechNexa – Hệ thống lên men thực phẩm tự động

Sinh viên Phùng Trường Trinh, QH-2021-I/CQ, khoa Công nghệ nông nghiệp đang thử nghiệm hệ thống TechNexa

Để vượt qua những khó khăn trong quá trình nghiên cứu, nhóm HUPTECH đã có những bí quyết như thế nào?

Khó khăn ban đầu liên quan đến việc muối chua sản phẩm rau, củ, quả, nhóm thấy cần phải nghiên cứu và cải thiện quá trình này. Bởi vì muối chua là một quy trình phức tạp đòi hỏi kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm để đạt được hương vị tuyệt vời. Thách thức nhóm gặp phải là quá trình lên men cần diễn ra nhanh chóng, nhưng vẫn đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Để giải quyết những vấn đề trên, nhóm HUPTECH đã nhận được sự hỗ trợ, tư vấn từ các thầy cô, chuyên gia đến từ Trường Đại học Công Nghệ – ĐHQGHN (TS. Phạm Minh Triển, TS. Chu Đức Hà và TS. Vũ Nguyên Thức), và công ty Gami lab (TS. Bùi Nguyệt Quỳnh). Thông qua những giờ nghiên cứu trên phòng thí nghiệm tại khoa Công nghệ nông nghiệp, nhóm đã kết hợp công nghệ tự động hóa, IoT và công nghệ sinh học để giải quyết vấn đề muối chua sản phẩm rau, củ, quả.

Một trong những bí quyết của nhóm, đó là việc thường xuyên trao đổi với các thầy cô tại phòng thí nghiệm sau các giờ học trên lớp. Hơn nữa, các thành viên trong nhóm đã thấm nhuần tư tưởng “học bằng làm” của khoa Công nghệ nông nghiệp, từ đó, gắn chính bài toán của mình vào những bài giảng của các thầy cô trên lớp để từng bước tháo gỡ từng câu hỏi khi làm thí nghiệm.

Sau quá trình tham gia nghiên cứu khoa học, những cuộc thi công nghệ và khởi nghiệp, các thành viên trong nhóm đã “bỏ túi” được những kiến thức, kỹ năng như thế nào giúp phát triển bản thân  trong học tập và nghề nghiệp tương lai?

Sau hơn 2 năm nghiên cứu, phát triển sản phẩm và tham gia cuộc thi RnD to StartUp, các thành viên trong nhóm đã có sự trưởng thành vượt bậc về kiến thức chuyên môn và các kỹ năng mềm khác. Khi tham gia vào các dự án khởi nghiệp, các thành viên không chỉ phải trau dồi kiến thức chuyên môn, đồng thời cũng phải tự rèn luyện tất cả các kỹ năng mềm (kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng thuyết trình…). Điều này cũng rất thuận lợi khi chúng em cũng thường xuyên tham gia các sự kiện và hoạt động của Đoàn trường – Hội sinh viên trường nên đã trang bị cho bản thân phần nào những kỹ năng này.

Đặc biệt, việc tham gia nghiên cứu và các cuộc thi cũng mang lại lợi ích về mặt xây dựng hồ sơ cá nhân. Khi sinh viên tham gia vào các dự án nghiên cứu và cuộc thi, chúng em có cơ hội xây dựng một hồ sơ cá nhân ấn tượng. Các thành tựu và kết quả nghiên cứu có thể được trình bày trong CV, bài báo, bài thuyết trình hoặc poster. Điều này không chỉ giúp chúng em nổi bật trong quá trình tìm kiếm việc làm, mà còn mở ra cơ hội tham gia vào các chương trình học bổng, chương trình trao đổi quốc tế hoặc các dự án nghiên cứu tiếp theo để áp dụng vào chính cuộc sống.

Việc tham gia nghiên cứu khoa học và các cuộc thi giúp sinh viên phát triển khả năng tư duy, mở ra nhiều chân trời kiến thức trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Những lợi ích này sẽ đóng góp vào sự thành công trong học tập và công việc của sinh viên trong tương lai.

Nhóm HUPTECH gồm các thành viên đến từ Khoa Công nghệ nông nghiệp, Trường ĐH Công nghệ, Trường ĐH Kinh tế và Trường ĐH Luật và đều là những sinh viên đam mê công nghệ và luôn tìm kiếm cơ hội để tạo ra sản phẩm đột phá ứng dụng trong cuộc sống. Dưới sự định hướng của các giảng viên trong khoa Công nghệ Nông nghiệp (TS. Phạm Minh Triển, TS. Chu Đức Hà) và khoa Vật lý kỹ thuật & Công nghệ nano (TS. Vũ Nguyên Thức).

TS. Chu Đức Hà – giảng viên khoa Công nghệ nông nghiệp, cố vấn hướng dẫn nhóm nghiên cứu HUPTECH, chia sẻ: “Khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp chưa bao giờ là một bài toán dễ dàng. Tuy nhiên, khi làm việc tại trường Đại học Công nghệ, với chủ trương gắn chặt mối liên kết giữa Viện – Trường – Doanh nghiệp, tôi đã nhận được rất nhiều sự hỗ trợ từ các thầy cô trong nhà trường cũng như những đồng nghiệp từ đơn vị đối tác trong việc giải quyết các vấn đề liên ngành, từ đó truyền cảm hứng cho các bạn sinh viên trong nhóm khởi nghiệp”.

(UET-News)

Bài viết liên quan