Dù làm việc ở đâu cũng phải cống hiến hết mình
Với 42 năm đóng góp trong lĩnh vực Vật lý vô tuyến và giảng dạy, GS.TS. Bạch Gia Dương (Trung tâm Nghiên cứu Điện tử viễn thông, Trường ĐHCN) đã đạt được nhiều thành tựu với các sản phẩm phục vụ quân sự và dân sự. Những đóng góp và cống hiến đó đã được ghi nhận khi ông được Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước công nhận đạt chuẩn chức danh Giáo sư 2016.
Say mê lĩnh vực siêu cao tần
Từ năm 1974 cho đến nay, có thể nói những cống hiến của GS.TS. Bạch Gia Dương dành cho sự nghiệp giáo dục, quốc phòng là không ít. Tuy nhiên, đến năm 1991 GS.TS Bạch Gia Dương mới triển khai nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực siêu cao tần sau hơn 2 năm nghiên cứu về cộng hưởng từ hạt nhân trong từ trường cao và nghiên cứu trong lĩnh vực siêu cao tần tại Viện nghiên cứu Vật Lý, Trường Đại học Tổng hợp Leningrad thuộc Liên Xô cũ, nay là Trường Đại học Tổng hợp Saint-Peterburg Liên bang Nga. Cho đến nay GS đã có nhiều sản phẩm được sản xuất thường xuyên, 02 sản phẩm đã được cấp bằng độc quyền giải pháp hữu ích trong lĩnh vực Điện tử- Viễn thông. Các giải pháp hữu ích của ông đều dựa vào nhu cầu sử dụng và được đưa vào ứng dụng một cách hiệu quả. Thậm chí, một số máy móc thiết bị được ông thiết kế và chế tạo với giá thành rất rẻ và nhỏ gọn, sử dụng các linh kiện và công nghệ mới.
Khi nhắc đến việc chọn lĩnh vực khó như vậy, GS.TS. Bạch Gia Dương chia sẻ, trước đây khi ở quân đội tôi cảm thấy nhu cầu về quốc phòng rất lớn và quan trọng. Nhưng vì chưa có điều kiện để thực hiện nên sau này có thời gian đầu tư nghiên cứu tôi đã quyết định chọn lĩnh vực triển khai công nghệ siêu cao tần. Khi còn trong quân đội tôi đã nghiên cứu về lĩnh vực này hơn 10 năm nhưng chưa hoàn thành được sản phẩm với qui mô đồng bộ, mặc dù đã có một số sản phẩm được đưa vào sản xuất ứng dụng. Đến khi chuyển công tác đến Trường Đại học Công nghệ, ĐHQGHN tôi đã có nhiều điều kiện và cơ chế rất thuận lợi để tổ chức nhóm nghiên cứu mạnh về siêu cao tần, thu hút được nhiều thành viên tham gia, thực hiện thành công đề tài nhà nước, đề tài cấp Thành phố, đề tài trọng điểm cấp ĐHQGHN và đã thu được nhiều kết quả trong lĩnh vực chế tạo thiết bị siêu cao tần đồng bộ cho cả hệ thống thu phát, có nhiều địa chỉ ứng dụng và phát triển sản phẩm. Những kết quả đạt được dựa trên cơ sở nghiên cứu chuyên sâu trong lĩnh vực siêu cao tần tạp âm thấp và siêu cao tần công suất lớn, hoạt động trên các dải tần từ UHF tới băng tần C và KU.
Tuy nhiên, không phải ai cũng biết niềm đam mê đối với tình yêu khoa học của GS.TS. Bạch Gia Dương được nhen nhóm chính là từ những năm tháng học tại Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Ông còn rất nhớ: “Những hình ảnh của các thầy Đàm Trung Đồn, thầy Nguyễn Châu, thầy Ngô Quốc Quýnh, thầy Nguyễn Khang Cường, thầy Nguyễn Kim Giao, những thế hệ đi trước, là những tấm gương sáng để tôi luôn phấn đấu noi theo, vượt mọi khó khăn để học hỏi và phấn đấu. Ngày ấy, các thầy đa phần được đào tạo từ thời Pháp thuộc, chỉ học sư phạm, học khoa học cơ bản chứ chưa có định hướng công nghệ như bây giờ, đa phần chỉ từ những kiến thức cơ bản, các Thầy xây dựng giáo trình bài giảng rồi đi dạy, sau đó chủ yếu dựa vào ý thức tự nghiên cứu, mày mò đọc sách để tiếp cận khoa học kỹ thuật trên thế giới”. Vậy mà, trong những năm chiến tranh khốc liệt, khi Tổ quốc cần những lực lượng các nhà khoa học vào cuộc để hỗ trợ cho chiến trường, giải quyết các bài toán phức tạp trong thực tế, chẳng hạn như làm sao để phá bom từ trường, thủy lôi, phá trinh sát điện tử của địch phát hiện các đoàn xe của ta vào chiến trường… “khi các vấn đề được đặt ra, thì các thầy của chúng ta đều có thể giải quyết được hết. Nhìn thấy sự đam mê các thầy khi đó đã thôi thúc niềm tin, sự đam mê trong mỗi sinh viên lúc bây giờ”. Và GS.TS. Bạch Gia Dương đã tiếp bước đi theo con đường nghiên cứu khoa học cho đến nay.
Hết lòng vì sự nghiệp giáo dục
Không chỉ đơn thuần là một nhà quản lý, nhà nghiên cứu, mà GS. TS. Bạch Gia Dương còn là một người giảng viên tâm huyết. Sau khi tốt nghiệp ĐH Tổng hợp và làm xong nghiên cứu sinh, ông tiếp tục về phục vụ cho đơn vị quân đội với vai trò là nghiên cứu viên chính tại Viện kỹ thuật Phòng không – không quân. Trong thời gian này, ông còn tham gia đào tạo, kiêm nhiệm tại trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN, hướng dẫn Nghiên cứu sinh, cao học và các sinh viên thực tập, thực hành làm sản phẩm công nghệ. Chính tại đây, ông đã có cuộc gặp gỡ với GS.VS. Nguyễn Văn Hiệu và trở về Trường ĐH Công nghệ, ĐHQGHN, nơi ông công tác hiện nay. Ông cười chia sẻ. “Thời điểm đó, thầy Nguyễn Văn Hiệu đang có nhu cầu cần người về làm tại bộ môn Xử lý tín hiệu do thầy Huỳnh Hữu Tuệ làm trưởng bộ môn, nhưng do thầy Tuệ ở Canada rất ít có thời gian về nên GS. Hiệu có mong muốn tôi về đó nghiên cứu và tham gia đào tạo về lĩnh vực xử lý tín hiệu, đồng thời duy trì và phát triển Trung tâm Điện tử – Viễn thông. Khi được thầy Trần Quang Vinh, thầy Chử An giới thiệu, được thầy Hiệu mời về, tôi mừng lắm. Lúc ấy, đồng chí Tư lệnh Quân chủng Phòng không Không quân cũng chưa đồng ý cho đi nhưng chính thầy Hiệu đã thuyết phục, vì lợi ích chung nên, đồng chí Tư lệnh đã đồng ý để tôi về Trường Đại học Công nghệ – ĐHQGHN để giảng dạy và nghiên cứu theo đúng nguyện vọng của tôi. Khi về Trường , Nhà trường cho tôi thi giảng viên chính, tôi bắt đầu đảm nhận vai trò giảng viên tại bộ môn Điện tử và Kỹ thuật máy tính với cương vị Giám đốc Trung Tâm Nghiên cứu Điện tử Viễn thông từ ấy”.
Khi giảng dạy cho sinh viên, ông tâm niệm: “Đã là sinh viên, nhất là sinh viên công nghệ thì phải được tiếp cận với thực hành; nếu có thời gian phải bám sát các thầy vào phòng thí nghiệm để làm sao được thực hành một cách tối đa, học cách thiết kế mô phỏng lắp ráp điện tử, cách sử dụng các trang thiết bị máy đo và đánh giá các tham số kỹ thuật của sản phẩm chế tạo ra”. Vì vậy, mỗi khi dạy các sinh viên của mình, ông không khuyến khích các sinh viên học giáo trình theo kiểu thuộc lòng, hay chỉ sử dụng các phần mềm máy tính mà luôn tạo điều kiện làm sao để các em tìm ra phương pháp, nguyên tắc và ý nghĩa chính, vấn đề cơ bản của bài học. “Nếu bắt các em đưa ra những ý tưởng, đưa ra giải pháp kỹ thuật, thiết kế mô phỏng và tự tìm kiếm linh kiện lắp ráp đến khâu cuối cùng thì sẽ rất khó cho các em, vì thế sinh viên đến phòng thí nghiệm của tôi nghiên cứu, thực hành, làm khóa luận thì tôi luôn chuẩn bị cho các em những linh kiện thực tập hiện đại, tôi thường tìm cách trích kinh phí từ những đề tài của mình để cung cấp linh kiện thực hành cho các em, giúp các em có điều kiện tiếp cận được kỹ thuật và công nghệ mới.”
Siêu cao tần là lĩnh vực tâm huyết cả đời
“Thời gian đầu, không biết có bao nhiêu gian nan và vất vả trong việc thực hiện đề tài trong lĩnh vực siêu cao tần. Có những ngày việc cháy linh kiện diễn ra liên tục, tôi và nhóm nghiên cứu đều trăn trở và cảm thấy tiếc. Nhưng tôi phải động viên tinh thần của sinh viên, của các thành viên nhóm nghiên cứu cũng như của bản thân rằng, cả thầy và các em đều không có đường lui, chỉ có tiến lên và quyết tâm hoàn thành việc chế tạo sản phẩm. Nếu cháy hỏng linh kiện, ta sẽ tìm các nguồn kinh phí hoặc dồn hết kinh phí để làm đến cùng. Tôi bắt đầu tập trung tìm hiểu lý do cháy hỏng linh kiện cũng như nguyên nhân về công nghệ, và khi tìm được nguyên nhân thì hoàn toàn yên tâm xử lý. Từ đó, tôi quán triệt và tổ chức lại nhóm nghiên cứu để sinh viên và nhóm nghiên cứu tiếp tục khắc phục nhược điểm và nguyên nhân không thành công. Cuối cùng, sau nhiều lần như vậy tôi và nhóm nghiên cứu đã thành công máy phát tín hiệu mã dải rộng nhận biết chủ quyền quốc gia.”
Khi nhắc đến lĩnh vực này trên thế giới, GS.TS. Bạch Gia Dương chia sẻ, đây là lĩnh vực rộng lớn và phức tạp vì sóng siêu cao tần có nhiều dải tần số khác nhau. Nếu nghiên cứu tìm được công nghệ lõi sẽ thành công ở các dải sóng khác nhau. Có nghĩa là, không ai có thể khẳng định rằng nếu làm được ở dải sóng này thì sẽ thành công ở tất cả các các dải sóng khác. Khi biết được tiềm năng ứng dụng sản phẩm của lĩnh vực này rất lớn và những công nghệ này rất đắt tiền, tôi lại càng ấp ủ làm được sản phẩm để ứng dụng trong sản xuất đời sống và trong quân sự. Ngoài ra, khi nhận công tác tại Trường Đại học Công nghệ-ĐHQGHN, tôi mong muốn được đóng góp công sức của mình cho việc triển khai nghiên cứu, đào tạo một đội ngũ cán bộ có trình độ cao trong lĩnh vực chuyên môn siêu cao tần, đặc biệt là lĩnh vực phát công suất lớn và thu tín hiệu bé trong tạp âm để chủ động phát triển công nghệ này ứng dụng trong truyền thông, ra đa, viễn thám, công nghệ vũ trụ, truyền năng lượng không dây công suất lớn dùng sóng siêu cao tần và đặc biệt là ứng dụng để xây dựng hệ thống giám sát tầu thuyền trên biển, góp phần hỗ trợ cho ngư dân trên biển, cứu hộ cứu nạn và nhận biết chủ quyền quốc gia trên biển.
Theo Tuyết Nga (Tạp chí VNU số 308+309)