Đào tạo nhân lực 4.0 cho các ngành công nghệ, kỹ thuật
Nhằm làm sâu sắc hơn những đặc trưng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, cũng như những thách thức, cơ hội đối với các ngành Công nghệ – Kỹ thuật của Việt Nam, Trường Đại học Việt Nhật – ĐHQGHN phối hợp với Trường ĐH Nguyễn Tất Thành và Hội Cơ học Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Cách mạng công nghiệp 4.0 – Cơ hội và thách thức với các ngành Công nghệ – Kỹ thuật” vào ngày 27/10/2018.
Hội thảo có sự tham gia của các nhà quản lý và các nhà khoa học, các chuyên gia đến từ ĐHQGHN, Vụ Đại học (Bộ Giáo dục Đào tạo), Cục KHCN Quân sự (Bộ Quốc Phòng), Trường ĐH Bách Khoa, Học viện KTQS, Trường ĐH Xây dựng, Trường ĐH giao thông, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, ĐH Thái nguyên, Trường ĐH Thủy lợi, Viện KHCN Việt Nam, Viện KHCN Xây dựng, Viện KHCN Giao thông, Tổng Công ty CONINCO, VBPO,..….với nhiều giáo sư đầu ngành, các chuyên gia trong các lĩnh vực Kỹ thuật Công nghệ và quản lý giáo dục.
Cần thay đổi trong triết lý đào tạo và cơ cấu lại các chương trình đào tạo
GS.TSKH Nguyễn Đình Đức – Phó Chủ tịch Hội Cơ học Việt Nam, Trường Ban Đào tạo ĐHQGHN, Trưởng Ban tổ chức Hội thảo cho rằng, quản trị đại học trong thời đại cách mạng 4.0 đã thay đổi. Trong cuộc cách mạng công nghiệp 3.0, người ta nói đến đại học nghiên cứu. Với cách mạng công nghiệp 4.0, các đại học nghiên cứu hang đầu đã chuyển dịch từ đại học nghiên cứu đến đại học đổi mới sang tạo (Innovation-driven university), với 3 đặc trưng cơ bản là Innovation factor (tác nhân đổi mới), Digital factor (tác nhân số) và Research factor (tác nhân nghiên cứu).
GS.TSKH Nguyễn Đình Đức – Trưởng Ban Đào tạo ĐHQGHN
Từ định hướng này, theo GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, cần phải có sự thay đổi trong triết lý đào tạo và cơ cấu lại các chương trình đào tạo. Ngoài kiến thức nền tảng, kiến thức của ngành và chuyên ngành, ngoại ngữ, CNTT và kỹ năng mềm như hiện nay, chương trình đào tạo phải trang bị được cho người học tầm nhìn, kỹ năng thu thập, xử lý và kiểm soát thông tin, có khát vọng đổi mới sáng tạo và tinh thần khởi nghiệp … Bên cạnh đó, không chỉ là giáo dục khai phóng, chúng ta còn phải tích hợp và có định hướng đào tạo STEM trong các khối ngành kỹ thuật-công nghệ và phát triển bền vững. STEM cung cấp các hành trang cho nguồn nhân lực trong các lĩnh vực kỹ thuật, và tư duy của phát triển bền vững trang bị tầm nhìn cho người học.
PGS. TS. Hoàng Minh Sơn – Hiệu trưởng ĐH Bách Khoa Hà Nội nêu nhận định, chính những bước tiến đáng kinh ngạc trên một số lĩnh vực trụ cột của Cách mạng 4.0 như CNTT, trí tuệ nhân tạo (AI), tự động hóa … đã và đang đặt ra những yêu cầu cấp bách, đòi hỏi các trường, viện cần sớm thực hiện đổi mới, trong cả hoạt động đào tạo lẫn nghiên cứu khoa học. Cụ thể, chương trình buộc sẽ phải thay đổi theo hướng tích hợp, liên ngành (interdisciplinary), tập trung ưu tiên vào một số lĩnh vực nền tảng và công nghệ lõi (hay công nghệ nguồn). Nội dung đào tạo cũng cần được thiết kế lại, theo hướng chú trọng kiến thức cơ bản, sâu, rộng và tích hợp nhiều môn học nhằm nâng cao hiệu quả sáng tạo và khả năng thích ứng của sinh viên. Phương thức đào tạo cũng phải chuyển sang lấy việc học (thay vì dạy) làm trung tâm, thông qua cá nhân hóa quá trình học, đa dạng hóa phương thức học, trong đó có tăng cường các công cụ học trực tuyến hoặc trải nghiệm với môi trường và thiết bị ảo.
PGS. TS. Hoàng Minh Sơn – Hiệu trưởng ĐH Bách Khoa Hà Nội
Hội thảo cũng đề cập đến những công nghệ đào tạo mới, phương pháp dạy và học mới trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, và cho rằng đào tạo tài năng, chất lượng cao theo xu hướng cá thể hóa đang là xu thế của cách mạng công nghiệp 4.0.
Ngày nay, những lĩnh vực kỹ thuật công nghệ thường có tính liên ngành, xuyên ngành và cách mạng công nghiệp 4.0 ngày càng xóa nhòa ranh giới giữa các ngành kỹ thuật công nghệ, và nhờ những ứng dụng của các công nghệ mới mở ra nhiều cơ hội việc làm, cơ hội kinh doanh và cơ hội phát triển cho mọi người, mọi cơ quan tổ chức, và những ai không nhanh chóng nắm bắt những cơ hội sẽ nhanh chóng bị tụt hậu.
Các chuyên gia cũng nhận thấy trong lĩnh vực CNTT và truyền thông, chúng ta được thích ứng khá nhanh. Tuy nhiên, còn 2 trụ kiềng quan trọng nữa của cách mạng công nghiệp 4.0 là tự động hóa và trí tuệ nhân tạo, chúng ta phải đầu tư để phát triển nhanh và mạnh hơn nữa.
Hội thảo cũng đã trao đổi thông tin về những thay đổi và đáp ứng khá nhanh của một số cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam, như ĐHQGHN hiện nay bên cạnh CNTT, Điện tử viễn thông, Cơ học Kỹ thuật, Cơ điện tử đã bắt tày vào tuyển sinh và đào tạo ngành/chuyên ngành mới như Robotic, Công nghệ hàng không vũ trụ, Công nghệ nano, Năng lượng mới, An ninh phi truyền thống, Khoa học dữ liệu, Phát triển bền vững, Biến đổi khí hậu,…
Cần xây dựng các nhóm nghiên cứu mạnh, các viện nghiên cứu tiên tiến, các trung tâm xuất sắc
Bên cạnh đào tạo và thích ứng, chuyển giao công nghệ, để tiếp cận với trình độ của thế giới và làm chủ các công nghệ lõi, Việt Nam cần có chiến lược để xây dựng bằng được các nhóm nghiên cứu mạnh, các viện nghiên cứu tiên tiến, các trung tâm xuất sắc trong các lĩnh vực này. Đây là sứ mạng mà các bộ ngành của Việt Nam như Bộ KHCN, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông,….và các trường đại học, các viện nghiên cứu cần có giải pháp mạnh hơn và những đáp ứng cụ thể hơn nữa trong thời gian tới để tập hợp lực lượng trong và ngoài nước và các nguồn lực khác để đổi mới giáo dục và đào tạo đại học và nhanh chóng đầu tư cho các nhóm nghiên cứu để gây dựng và phát triển các lĩnh vực kỹ thuật – công nghệ chủ chốt của cách mạng công nghiệp 4.0 phù hợp với Việt Nam.
Ngoài ra, cũng do áp lực không ngừng phải đổi mới và xu hướng chu trình sản phẩm đang ngày càng trở nên ngắn lại, các trường, viện cần nỗ lực tự chủ để tìm kiếm nguồn kinh phí hỗ trợ nghiên cứu. Đồng thời, phương thức tổ chức nghiên cứu cũng đòi hỏi phải có sự phối hợp hiệu quả giữa các nhóm liên ngành, liên trường,… và gắn chặt hoạt động nghiên cứu với đào tạo ở bậc sau đại học lẫn đào tạo cử nhân, kỹ sư chất lượng cao… ngoài ra, cũng không thể tách rời nhiệm vụ nghiên cứu với mục đích phát triển và thương mại hóa sản phẩm nhờ mối kết hợp chặt chẽ giữa nhà trường với khối doanh nghiệp.
Tại hội thảo, các đại biểu cũng đã đề xuất xây dựng và hình thành các nhóm nghiên cứu mới liên ngành, liên đơn vị trong lĩnh vực vật liệu thông minh, khoa học dữ liệu, CNTT, trí tuệ nhân tạo,….cũng như giải pháp về hệ thống giao thông thông minh ở Việt Nam, cũng như một số xu hướng ngành xây dựng thời đại kỹ thuật số như công nghệ BIM 6D, tính toán thiết kế được đồng thời các tham số như thời gian, chi phí và tối ưu nguồn năng lượng.
Nhân tài – mấu chốt của thành công
Hội thảo cũng nhất trí cho rằng, để tất cả những chiến lược và đổi mới thành công, để Việt Nam theo kịp với cách mạng công nghiệp 4.0, bài học của các nước cho thấy mấu chốt là cần có nhân tài. “Chúng ta cần tập hợp, tạo mọi điều kiện phát huy nguồn lực trí thức trẻ đã tiếp cận được với tri thức khoa học tiên tiến trên khắp thế giới để nắm bắt những cơ hội của tương lai. Thu hút và sử dụng nhân tài vừa là cơ hội, vừa là thách thức của Việt Nam hiện nay” – GS Nguyễn Đình Đức nhấn mạnh.
Các đại biểu tại Hội thảo cho rằng, đổi mới chiến lược đào tạo và phát triển nghiên cứu khoa học mũi nhọnthông qua các nhóm nghiên cứu, thu hút – bồi dưỡng – trọng dụng nhân tài, xây dựng các mô hình đào tạo, nghiên cứu và kinh doanh phù hợp với tư duy khởi nghiệp và sáng tạo là những giải pháp tổng thể cho phép Việt Nam có thể tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức để phát triển vượt bậc trong kỷ nguyên cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Lịch sử cho thấy Mỹ, Anh,… và các nước công nghiệp phát triển đã tận dụng và nắm bắt được cơ hội từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 2. Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ,… đã nắm bắt được cơ hội ở cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 3. Việt Nam có thể tận dụng được lợi thế và nắm bắt được cơ hội ở cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để vươn lên thành “con rồng, con hổ” của châu Á và thế giới trong thế kỷ 21.