Chương trình đào tạo ngành Hệ thống thông tin
Thạc sĩ tốt nghiệp chuyên ngành HTTT được định hướng nghiên cứu đáp ứng chuẩn đầu ra về kiến thức, kỹ năng và phẩm chất theo các chỉ tiêu như trình bày dưới đây.
1. Chuẩn về kiến thức và năng lực chuyên môn
a. Kiến thức chung
i. Kiến thức về lý luận chính trị
- Hiểu và vận dụng được hệ thống tri thức khoa học những nguyên lý cơ bản của Chủ nghĩa Mác Lênin;
- Hiểu và vận dụng được những kiến thức cơ bản, có tính hệ thống về tư tưởng, đạo đức, giá trị văn hóa Hồ Chí Minh, những nội dung cơ bản của đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam, chủ yếu là đường lối trong thời kỳ đổi mới trên một số lĩnh vực cơ bản của đời sống xã hội.
ii. Kiến thức về ngoại ngữ (B1)
- Có trình độ ngoại ngữ tối thiểu tương đương bậc 3 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam;
- Hiểu được các ý chính của một diễn ngôn tiêu chuẩn, rõ ràng về các vấn đề quen thuộc trong công việc, trường học, giải trí, v.v.
- Xử lý hầu hết các tình huống có thể xảy ra khi đi đến nơi sử dụng ngôn ngữ;
- Viết đơn giản nhưng liên kết về các chủ đề quen thuộc hoặc cá nhân quan tâm;
- Mô tả được những kinh nghiệm, sự kiện, ước mơ, hy vọng và hoài bão và có thể trình bày ngắn gọn các lý do, giải thích cho ý kiến và kế hoạch của mình;
- Viết văn bản rõ ràng, chi tiết với nhiều chủ đề khác nhau và có thể giải thích quan điểm của mình về một vấn đề, nêu ra được những ưu điểm, nhược điểm của các phương án lựa chọn khác nhau.
b. Kiến thức cơ sở và chuyên ngành
- Làm chủ kiến thức chuyên ngành, có thể đảm nhiệm công việc của chuyên gia trong lĩnh vực được đào tạo; có tư duy phản biện; có kiến thức lý thuyết chuyên sâu để có thể phát triển kiến thức mới và tiếp tục nghiên cứu ở trình độ tiến sĩ; có kiến thức tổng hợp về pháp luật, quản lý và bảo vệ môi trường liên quan đến lĩnh vực Máy tính và công nghệ thông tin nói chung cũng như lĩnh vực hệ thống thông tin nói riêng;
- Có thể đọc hiểu và trình bày được các tài liệu tiếng Anh chuyên ngành;
- Hiểu và vận dụng được các khái niệm cơ bản về mạng máy tính, các bộ phận, các giao thức, cách thức truyền dữ liệu trên mạng;
- Hiểu và vận dụng được các khái niệm về cơ sở dữ liệu trong hệ thống, các phương pháp xây dựng và tối ưu hóa cơ sở dữ liệu của hệ thống;
- Hiểu và vận dụng các khái niệm chung về quy trình phát triển HTTT, các kỹ thuật xây dựng một hệ thống phần mềm có chất lượng;
Ngoài khối kiến thức chung của mọi chương trình đào tạo Thạc sĩ tại các trường thành viên thuộc ĐHQGHN, Thạc sĩ HTTT cần có phổ kiến thức và kỹ năng của một chuyên viên HTTT cấp cao, đủ năng lực xây dựng và tích hợp chiến lược HTTT trong chiến lược phát triển tổ chức (cơ quan/doanh nghiệp), quản lý và giám sát việc triển khai, thi hành các HTTT tương ứng. Học viên tốt nghiệp chương trình đào tạo Thạc sĩ HTTT cần có kiến thức và kỹ năng đủ để hiểu và giải quyết các bài toán HTTT thời sự, gắn kết mật thiết với nhu cầu thực tiễn trong nước và ngoài nước. Phổ kiến thức của học viên tốt nghiệp cần bao gồm:
- Kiến thức cốt lõi về công nghệ và quản lý;
- Kiến thức tích hợp nền tảng HTTT và kinh doanh;
- Kiến thức để tiếp cận khái quát hoạt động kinh doanh và thế giới thực (kiến thức miền ứng dụng);
- Bốn nhóm chủ đề kiến thức và kỹ năng chuyên sâu được định hướng tập trung:
- Cơ sở dữ liệu và nền tảng HTTT: định hướng nghề nghiệp cho những chuyên gia về CSDL và quản trị HTTT, thi hành sâu sắc các khía cạnh công nghệ của HTTT;
- Công nghệ tri thức và khai phá dữ liệu: định hướng nghề nghiệp cho những chuyên gia về công nghệ hướng dữ liệu, công nghệ tri thức. Nhóm chủ đề này tập trung vào khâu chuyển đổi từ dữ liệu sang tri thức theo sơ đồ quá trình dịch vụ tại các doanh nghiệp và tổ chức khác;
- An ninh và an toàn hệ thống thông tin: định hướng nghề nghiệp cho những chuyên gia về An toàn và An ninh HTTT là nguồn nhân lực rất cần thiết cả ở phạm vi tổ chức lần phạm vi quốc gia;
- Khoa học dịch vụ: định hướng nghề nghiệp cho những chuyên gia về khoa học dịch vụ, phù hợp với xu thế chuyển dịch sang kinh tế dịch vụ trên thế giới hiện nay.
c. Yêu cầu về luận văn tốt nghiệp
- Luận văn cần có đề tài là một nội dung khoa học – công nghệ thời sự về HTTT (i) hoặc thuộc vào một trong bốn nhóm chuyên sâu: CSDL và nền tảng HTTT, Công nghệ Tri thức và khai phá dữ liệu, An ninh và an toàn HTTT, Khoa học dịch vụ; (ii) hoặc kết hợp nội dung của các nhóm chuyên sâu này;
- Luận văn cần có (i) một khảo sát chung về tình hình nghiên cứu trên thế giới và trong nước, (ii) lựa chọn một (nhóm) phương pháp tiên tiến liên quan để phân tích, đánh giá để giải quyết bài toán theo đề tài được lựa chọn, (iii) lựa chọn hoặc xây dựng công cụ thi hành phương pháp và tiến hành thực nghiệm để đánh giá phương pháp giải quyết được lựa chọn.
- Khuyến khích việc đề xuất các cải tiến, nâng cấp các phương pháp đã có và đối sánh kết quả. Luận văn có kết quả công bố khoa học hoặc có sản phẩm phần mềm đi kèm có tiềm năng ứng dụng được đánh giá cao.
d. Về năng lực tự chủ và trách nhiệm:
Có năng lực phát hiện và giải quyết các vấn đề thuộc chuyên môn đào tạo và đề xuất những sáng kiến có giá trị; có khả năng tự định hướng phát triển năng lực cá nhân, thích nghi với môi trường làm việc có tính cạnh tranh cao và năng lực dẫn dắt chuyên môn; đưa ra được những kết luận mang tính chuyên gia về các vấn đề phức tạp của chuyên môn, nghiệp vụ; bảo vệ và chịu trách nhiệm về những kết luận chuyên môn; có khả năng xây dựng, thẩm định kế hoạch; có năng lực phát huy trí tuệ tập thể trong quản lý và hoạt động chuyên môn; có khả năng nhận định đánh giá và quyết định phương hướng phát triển nhiệm vụ công việc được giao; có khả năng dẫn dắt chuyên môn để xử lý những vấn đề lớn.
2. Chuẩn về kĩ năng
Học viên tốt nghiệp chuyên ngành HTTT không chỉ được nâng cao về kỹ năng thiết kế, kiến trúc, tích hợp HTTT; kỹ năng lãnh đạo nhóm dự án HTTT… mà còn cần phải hình thành và phát triển các kỹ năng cứng chuyên sâu trong ngành HTTT và những kỹ năng mềm để thích ứng tốt với môi trường làm việc năng động, toàn cầu.
a. Kỹ năng nghề nghiệp
Học viên tốt nghiệp HTTT cần đáp ứng các tiêu chí kỹ năng nghề nghiệp sau:
- Có kỹ năng hoàn thành công việc phức tạp, không thường xuyên xảy ra, không có tính quy luật, khó dự báo; có kỹ năng nghiên cứu độc lập để phát triển và thử nghiệm những giải pháp mới, phát triển các công nghệ mới trong lĩnh vực được đào tạo;
- Có kỹ năng về xây dựng kiến trúc, thiết kế và phát triển HTTT: Kỹ năng phân tích, thiết kế HTTT và công trình sư CNTT; Kỹ năng thi hành, phát triển hệ thống, dịch vụ; Kỹ năng ứng dụng công nghệ mới, tiên tiến.
- Có kỹ năng quản trị HTTT: Kỹ năng điều phối dự án; Kỹ năng quản lý rủi ro; Kỹ năng tích hợp dự án và quản lý thời gian; Kỹ năng quản lý chất lượng.
- Có năng lực tích hợp kinh doanh và công nghệ trong ngữ cảnh chuyên biệt: Kỹ năng liên kết những giá trị CNTT và kinh doanh; Kỹ năng phân tích chi phí và lợi nhuận; Kỹ năng phân tích ảnh hưởng giải pháp CNTT kinh doanh.
- Có kỹ năng nghiên cứu và phát hiện tri thức trong môi trường thực tế: Kỹ năng phát biểu bài toán thực tế; Kỹ năng thu thập, khái quát tri thức liên quan đến thực trạng bài toán; Kỹ năng tạo dựng, phát triển giải pháp; Kỹ năng thực nghiệm và đánh giá.
- Có kỹ năng học để học: Kỹ năng tìm kiếm giải pháp; Kỹ năng phương pháp luận phục vụ học.
- Có kỹ năng làm việc cộng tác: Kỹ năng cải thiện hiệu quả công việc cộng tác (các kỹ năng lãnh đạo, truyền thông, tập trung và giải quyết mâu thuẫn); Kỹ năng nhận thức môi trường công việc toàn cầu hoá và phát huy bản sắc dân tộc.
- Có kỹ năng tạo dựng đặc trưng cá nhân: Tư duy biện luận một cách hệ thống; Khả năng làm việc chuyên nghiệp, nghiêm túc, đam mê nghề nghiệp; Phát triển suy nghĩ sáng tạo, phê phán; Tạo dựng khả năng ham học hỏi; Khả năng làm việc trong những môi trường khác nhau trong và ngoài nước; Khả năng làm việc độc lập, tự quản lý bản thân.
b. Kỹ năng bổ trợ
i. Kĩ năng ngoại ngữ chuyên ngành:
- Có kỹ năng ngoại ngữ ở mức có thể hiểu được một báo cáo hay bài phát biểu về hầu hết các chủ đề trong công việc liên quan đến ngành được đào tạo; có thể diễn đạt bằng ngoại ngữ trong hầu hết các tình huống chuyên môn thông thường; có thể viết báo cáo liên quan đến công việc chuyên môn; có thể trình bày rõ ràng các ý kiến và phản biện một vấn đề kỹ thuật bằng ngoại ngữ.
ii. Các kỹ năng cá nhân
- Sẵn sàng đương đầu các khó khăn trong khoa học;
- Có tư duy sáng tạo;
- Có tư duy phản biện;
- Biết đề xuất sáng kiến;
- Làm chủ kỹ năng giao tiếp khoa học (scientific communication skills), bao gồm cả những kỹ năng viết, trình bày, nghe…
iii. Kỹ năng làm việc theo nhóm
- Hình thành nhóm làm việc hiệu quả, vận hành nhóm, phát triển nhóm;
- Biết cách chia sẻ thông tin trong nhóm, lãnh đạo và quản lý nhóm;
- Có kỹ năng làm việc trong các nhóm đa lĩnh vực, bao gồm nhóm CNTT và kinh doanh.
iv. Kỹ năng sử dụng ngoại ngữ
Có thể đọc hiểu các tài liệu tiếng Anh chuyên ngành Hệ thống thông tin, có khả năng viết các vấn đề chuyên môn bằng tiếng Anh dưới dạng một báo cáo ngắn theo văn phong khoa học; biết một số thuật ngữ để sử dụng tài liệu chuyên môn bằng ngoại ngữ thuộc ngành/liên ngành đào tạo; có thể trình bày rõ ràng các ý kiến và phản biện một vấn đề kỹ thuật bằng ngoại ngữ;
v. Kỹ năng quản lý và lãnh đạo
- Biết quản lý thời gian, nguồn lực;
- Biết quản lý dự án và lãnh đạo nhóm.
vi. Kỹ năng về tin học văn phòng
- Sử dụng thành thạo các phần mềm soạn thảo Winword, Excel;
- Biết sử dụng phần mềm trình bày Powerpoint.
3. Chuẩn về phẩm chất đạo đức
a. Trách nhiệm công dân
- Trung thực, công bằng, có trách nhiệm (bản thân, gia đình, tổ chức, bạn bè, xã hội), trung thành với tổ quốc và tổ chức, tôn trọng sự học (tình thầy-trò, tình bạn đồng môn, tinh thần học tập suốt đời), dám đương đầu với khó khăn – thử thách.
b. Đạo đức, ý thức cá nhân, đạo đức nghề nghiệp, thái độ phục vụ
- Chân thành, độ lượng, có lòng trắc ẩn, tôn trọng luật pháp và tính đa dạng xã hội.
- Có tính kỷ luật chuyên nghiệp, có khả năng hoàn thành công việc dưới áp lực, có ý thức tôn trọng và làm giàu thêm văn hóa và tài sản quy trình của tổ chức.
c. Thái độ tích cực, yêu nghề
Thể hiện được tính chuyên nghiệp trong công việc, nhiệt tình và say mê công việc.
4. Vị trí việc làm mà học viên có thể đảm nhiệm sau khi tốt nghiệp
Sau khi tốt nghiệp, Thạc sĩ HTTT có thể đáp ứng tốt các yêu cầu của thực tế tại các cơ sở nghiên cứu, giảng dạy, sản xuất, dịch vụ khoa học kỹ thuật hoạt động trong lĩnh vực CNTT. Thạc sĩ HTTT có thể:
a. Đảm đương những vị trí quan trọng về HTTT sau đây trong các tổ chức (cơ quan / doanh nghiệp):
- Giảng viên đại học về lĩnh vực MT&CNTT…
- Giám đốc thông tin (Chief Information Officer: CIO),
- Kiến trúc sư HTTT (IS Architect),
- Quản lý dự án (Project Manager),
- Trưởng bộ phận CNTT (Head of the Information Technology Office),
- Chuyên gia tích hợp hệ thống (Systems Integrator),
- Chuyên gia phân tích-thiết kế hệ thống (Systems Analyst/Designer),
- Quản trị CSDL (Database Administrator),
- Chuyên gia phân tích kinh doanh (Business Analyst),
- Chuyên gia về khoa học dữ liệu (Data Scientist),
b. Đảm bảo tính sáng tạo trong việc lãnh đạo nhóm, đội, đơn vị thực hiện hoạt động tăng cường tài nguyên tri thức và tài nguyên quy trình của tổ chức (doanh nghiệp, cơ quan) dựa trên CNTT.
5. Khả năng học tập, nâng cao trình độ sau khi tốt nghiệp
Thạc sĩ HTTT có thể tiếp tục thực hiện chương trình đào tạo Tiến sĩ về chuyên ngành HTTT cũng như các chuyên ngành khác của MT&CNTT theo các hướng: cơ sở dữ liệu, công nghệ tri thức và khai phá dữ liệu, an toàn và an ninh dữ liệu, tính toán hiệu năng cao, khoa học dich vụ…
6. Các chương trình, tài liệu chuẩn quốc tế mà đơn vị đào tạo tham khảo để xây dựng chương trình đào tạo
Chương trình đào tạo thạc sỹ HTTT được xây dựng trên cơ sở tham chiếu tới các khung chương trình đào tạo chuẩn của các tổ chức ACM/AIS và chương trình đào tạo Thạc sỹ Tính toán tại Trường Tính toán, ĐHQG Singapore (NUS-SoC).
- [MSIS2006] John T. Gorgone, Paul Gray, Edward A. Stohr, Joseph S. Valacich, and Rolf T. Wigand (2006). MSIS 2006. Model Curriculum and Guidelines for Graduate Degree Programs in Information Systems, Communications of AIS, 17 (1), viết tắt là Hướng dẫn 2006 Thạc sỹ HTTT ACM/AIS.
- http://www.acm.org/education/education/curric_vols/MSIS%202006.pdf
- [MSIS2000] John T. Gorgone, Paul Gray, David Feinstein, George M. Kasper, Jerry N. Luftman, Edward A. Stohr, Joseph S. Valacich, and Rolf T. Wigand (2000). MSIS 2000: Model Curriculum And Guidelines For Graduate Degree Programs In Information Systems, Communication of The Association for InFormation Systems, 3 (1), viết tắt là Hướng dẫn 2000 Thạc sỹ HTTT ACM/AIS.
- [Topi11] Heikki Topi (2011). The future of master’s level education in IS, ACM Inroads, 2(1):12-13, March 2011.
- [IS2010] ACM/AIS Joint IS 2010 Curriculum Task Force: Heikki Topi, Joseph S. Valacich, Ryan T. Wright, Kate M. Kaiser, J.F. Nunamaker, Jr., Janice C. Sipior, G.J. de Vreede – (2010). IS 2010: Curriculum Guidelines for Undergraduate Degree Programs in Information Systems, Communications of the Association for Information Systems, 26(18): 359-428, 2010, viết tắt là Hướng dẫn 2010 Cử nhân HTTT ACM/AIS.